(TITC) - Ngày 10/5/2013, trong khuôn khổ chương trình khảo sát tour du lịch văn hóa – sinh thái tỉnh Bắc Giang, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang đã tổ chức buổi tọa đàm về “Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang” tại hội trường khách sạn Bắc Giang (TP. Bắc Giang).
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở VHTTDL Bắc Giang, Trung tâm TTXTDL Bắc Giang, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, một số Sở VHTTDL, Trung tâm TTXTDL các địa phương; đại diện một số đơn vị kinh doanh du lịch; một số chuyên gia, nhà khoa học về di sản văn hóa, du lịch cùng nhiều phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch Bắc Giang.
Bắc Giang là một tỉnh miền núi nằm cách Thủ đô Hà Nội 60km về phía đông bắc. Nơi đây không những có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình (hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, suối Nước Vàng, khu du lịch Suối Mỡ, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử…) mà còn chứa đựng nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị (chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, đình Phù Lão, đình Thổ Hà…) cùng nhiều di tích cách mạng gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha, nổi bật như chiến thắng Xương Giang, Cần Trạm, Hố Cát, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Đặc biệt, Bắc Giang còn có dân ca Quan họ, Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là di sản ký ức tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
|
Không chỉ có vậy, Bắc Giang còn có nhiều lễ hội truyền thống đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung gắn liền với văn hóa làng, xã, tiêu biểu như: lễ hội Thổ Hà, Yên Thế đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã xác định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Bởi vậy, dù ở đâu, di sản văn hóa cũng luôn là hồn cốt của dân tộc, là động lực của sự phát triển bền vững, đặc biệt là du lịch. Nắm bắt được ý nghĩa này, những năm qua, Bắc Giang đã thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, thiên nhiên. Bên cạnh hiệu quả tích cực - một số di sản văn hóa, thiên nhiên đã trở thành thế mạnh của Bắc Giang, vẫn còn nhiều di sản văn hóa chưa được khai thác đúng với tiềm năng vốn có. Từ những nhận thức về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của vấn đề nêu trên, buổi tọa đàm về “Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch bền vững” được tổ chức nhằm tập hợp các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận, chủ yếu tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Đánh giá thực trạng công tác quản lý di tích, danh thắng ở Bắc Giang; những kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác di tích, danh thắng của các địa phương, những thuận lợi và khó khăn vướng mắc cần được giải quyết trong công tác quản lý di tích, danh thắng phục vụ cho phát triển du lịch; thực trạng và giải pháp trong xây dựng tour du lịch văn hóa – sinh thái, du lịch cộng đồng ở Bắc Giang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách; các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích, danh thắng gắn phát triển du lịch một cách bền vững.
Với không khí cởi mở, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia buổi tọa đàm sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bài: Thanh Hải; Ảnh: Huy Hoàng