Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2013: Chung tay hành động vì biển đảo quê hương
Cập nhật: 24/05/2013
(TITC) - Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang đặc biệt lo ngại về tình trạng khai thác quá mức các nguồn hải sản, nạn ô nhiễm và ô xít hóa các đại dương cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học biển và đại dương. Hiện trạng này đe dọa cuộc sống của con người và sự bền vững của biển cả.

Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần hành động tập thể để đảm bảo tất cả các nước và mọi người dân đều được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên biển và đại dương.

Ngày Đại dương Thế giới năm 2013 với thông điệp “Cùng chung sức - Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương” như một lời kêu gọi toàn cầu “Mỗi người góp một phần công sức nhỏ - Chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn để bảo vệ đại dương” để bảo vệ chính cuộc sống của mỗi chúng ta.

“Ngày Đại dương Thế giới” (World Ocean Day) là sáng kiến lần đầu tiên được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Sau đó được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào năm quốc tế Đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi ấy Việt Nam cũng tham gia sự kiện này. Nhờ những nỗ lực của toàn cầu, từ năm 2009 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chính thức chọn ngày 08/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới.

Kể từ đó đến nay, Ngày Đại dương Thế giới được xem là một sự kiện rất có ý nghĩa và nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tôn vinh, bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển, đại dương vì tương lai của toàn cầu. Mục tiêu chung của việc tổ chức kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò cực kỳ quan trọng của biển, đại dương trong đời sống hàng ngày và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Ở Việt Nam, ngày 12/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 950/TTg-KTN công nhận Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 – 08/6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới.

Sự kiện chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2013 với chủ đề “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương” nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) và Ngày Đại dương Thế giới (08/6) sẽ được tổ chức quy mô cấp quốc gia, diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6 tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) và thành phố Hà Tĩnh.

Dự kiến, chương trình sẽ có 3 nội dung chính bao gồm: Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, đảo” và diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 và chương trình truyền hình trực tiếp mít tinh kỷ niệm ngày Đại dương thế giới và tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương”.

Sự kiện là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về bề rộng lẫn chiều sâu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ tài nguyên - môi trường biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong xu thế hội nhập hiện nay.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km và không gian biển rộng (diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2) gấp 3 lần diện tích đất liền, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.   

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội đất nước.

Đối với ngành Du lịch, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, coi phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo… là một trong những nội dung ưu tiên nhất trong quá trình phát triển. Do vậy, bảo vệ môi trường biển, đảo, đại dương là một trong những yếu tố rất cần thiết để phát triển du lịch bền vững.

Trên cả nước, các chương trình nói chuyện chuyên đề cho cộng đồng dân cư ven biển về khai thác đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo hay bảo tồn biển và việc phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, đảo… cũng được chính quyền địa phương tích cực thực hiện. Đặc biệt, những hành động thiết thực như: Làm vệ sinh dọc bờ biển; trồng cây xanh ven biển nhằm chống cát bay, tạo cảnh quan… đã được tuyên truyền tới mọi người dân địa phương.  

Hương Lê