Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng ở Quỳnh Sơn
Cập nhật: 16/07/2013
Xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có điều kiện tự nhiên phong phú thích ứng với phát triển du lịch; là địa danh lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của người Tày Bắc Sơn.

Từ những yếu tố thuận lợi trên, năm 2010, Trung tâm Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) tỉnh đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiến hành nghiên cứu, khảo sát địa điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn. Sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình phát triển DLCĐ tại xã Quỳnh Sơn, bước đầu mở ra nhiều kỳ vọng cho loại hình du lịch này.

Xã Quỳnh Sơn có tổng diện tích tự nhiên 1.459 ha; có 442 hộ, với tổng dân số là 1.844 người, sinh sống tập trung tại 6 thôn bản; dân tộc Tày chiếm trên 90%. Địa danh Quỳnh Sơn nổi tiếng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có dãy núi đá vôi, với nhiều hang động caster cộng với những cánh đồng bằng phẳng, bên cạnh dòng suối trong xanh uốn lượn. Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của xã có đình Quỳnh Sơn (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh), cầu Rá Riềng (di tích lịch sử cấp tỉnh), cây đa cổ thụ kỳ lạ, giếng Tiên và sự tích giếng Tiên, làng nghề làm ngói thủ công, cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh. Kiến trúc bản làng tập trung nhiều nhà sàn truyền thống. Quỳnh Sơn còn là địa danh lưu giữ được những nét văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Tày. Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) với nghi thức cầu mùa màng và các trò chơi, trò diễn dân gian... Một số loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc như: các làn điệu hát ví, hát then, múa tán Đàn, múa chầu… được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Ẩm thực ở đây cũng có nhiều món ăn truyền thống đặc trưng. Tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội. Hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện Bắc Sơn đến xã thuận lợi; đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá. Nhân dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có ý thức giữ gìn môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Những yếu tố trên là những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình DLCĐ. Thông qua loại hình này, là dịp để du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm và giới thiệu quảng bá về mảnh đất con người và sản vật của quê hương Quỳnh Sơn.

Nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển ngành du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo TTXTDL triển khai xây dựng tuyến DLCĐ tại xã Quỳnh Sơn. Coi đây là điểm nhấn quan trọng trong việc xây dựng tuyến du lịch văn hóa lịch sử huyện Bắc Sơn và vùng phụ cận. Qua khảo sát trên địa bàn xã, có nhiều hộ gia đình đủ điều kiện triển khai thực hiện phát triển DLCĐ. Trong giai đoạn đầu triển khai chương trình, TTXTDL phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin huyện đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình, UBND xã, đội văn nghệ và đầu tư một số trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cần thiết cho các hộ tham gia DLCĐ, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn làng DLCĐ... với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Bước đầu, mô hình được thực hiện thí điểm tại 5 hộ gia đình ở thôn Đon Riệc 2 và thôn Thâm Pác. Các các hộ gia đình đều có nhà sàn theo kiến trúc truyền thống, diện tích từ 150m² trở lên, tổng diện tích của mỗi ngôi nhà bao gồm cả khuôn viên trung bình vào khoảng từ 700m² - 1.000m² có vị trí đẹp, thoáng mát, khu vực chăn nuôi cách xa nơi ở, bảo đảm vệ sinh; có công trình vệ sinh riêng, đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt và lưu trú của 10 - 15 khách du lịch/hộ. Từ tháng 9/2010 Làng văn hoá DLCĐ Quỳnh Sơn bắt đầu đi vào hoạt động. Sau 3 năm triển khai xây dựng điểm DLCĐ, xã đã xây dựng được Quy ước hoạt động DLCĐ; đồng thời củng cố được 1 đội văn nghệ gồm 24 người, với 1 bộ tăng âm loa đài và 5 bộ đàn tính, xóc nhạc; khôi phục và duy trì lễ hội xuống đồng vào ngày 12,13 tháng Giêng hàng năm; tổ chức cho 5 hộ gia đình đi thăm quan học tập mô hình Làng văn hoá DLCĐ tại 2 tỉnh Hoà Bình và Sơn La. Tính đến tháng 6/2013 tổng lượng khách du lịch đến xã ước đạt 600 người, hoạt động DLCĐ bước đầu tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Từ 5 hộ gia đình ban đầu chọn làm DLCĐ thí điểm đem lại hiệu quả, đã có sức lan tỏa ra nhiều thôn. Đến nay, xã có trên 70 hộ gia đình đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đón khách du lịch tham quan, lưu trú. Nhiều hộ gia đình có nguyện vọng được tham gia mô hình hoạt động DLCĐ; nhân dân bắt đầu có ý thức cộng đồng và tham gia giữ gìn các nét đẹp văn hoá.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, để duy trì và phát triển bền vững loại hình DLCĐ, đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền và nhân dân cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch và chất lượng phục vụ, quan tâm đến vệ sinh môi trường; giữ vững ổn định trật tự xã hội. Tiếp tục xây dựng các tour du lịch từ Quỳnh Sơn đi thăm quan tìm hiểu các vùng phụ cận. Đối với các sản phẩm du lịch cần nghiên cứu tìm tòi thêm một số món ăn truyền thống, bổ sung một số danh mục hàng hoá, quà lưu niệm bán cho khách du lịch; tổ chức tốt các đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá, hướng dẫn viên du lịch tại xã cần được quan tâm...

Phát triển DLCĐ xã Quỳnh Sơn đang là một thời cơ thuận lợi cho xã khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cũng là những thách thức đối với cấp uỷ, chính quyền xã và các hộ dân tham gia hoạt động DLCĐ. Hy vọng rằng, trong thời gian tới DLCĐ Quỳnh Sơn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền và ngành chức năng.
Báo Lạng Sơn