Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về một số vấn đề trong tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt mức thấp so với mức trung bình những năm trước (5,42%). Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng khó khăn, nhiều DN phải ngừng sản xuất, đóng mã số thuế.
Tính đến hết tháng 6, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Thu ngân sách 2.895 tỷ đồng, đạt 51,6% dự toán, tăng 19,6% cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách vẫn được đánh giá là đạt thấp, trong đó tiền sử dụng đất chỉ đạt 163,18 tỷ đồng, bằng 73,4% so cùng kỳ, nhiều DN không có khả năng nộp thuế năm 2012 đã được gia hạn sang năm 2013.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, Nghệ An vẫn được coi là trung tâm ở một số lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, tài chính ngân hàng,… Tuy nhiên, công nghiệp được đánh giá là “ngày càng đuối”, và chưa tìm ra cơ hội có được "cú huých" như các tỉnh lân cận Thanh Hóa, hay Hà Tĩnh.
Lãnh đạo tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, Nghệ An có điều kiện, nhưng thời gian qua đã “đi” chậm. Công nghiệp ở Nghệ An chủ yếu là những ngành, những dự án vừa và nhỏ. Trong khi đó, tiến độ xây dựng những dự án trọng điểm trên địa bàn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, Trung tâm điện lực… chậm tiến triển.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Nghệ An trong thời gian qua, chia sẻ với những vấn đề thách thức, tìm động lực phát triển của tỉnh trong bài toán phát triển KTXH. Phó Thủ tướng đánh giá, so với tiềm năng, lợi thế, Nghệ An chưa có sự phát triển tương xứng, nhất là về quy mô kinh tế, thu hút đầu tư và đây chính là điểm yếu mà tỉnh cần tập trung triển khai tạo diện mạo mới trong thời gian tới.
Trong bài toán thu hút đầu tư, tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh, chuẩn bị tốt về mặt bằng, hạ tầng để đón đầu dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả địa bàn. Tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các DN, phát huy kết quả tăng trưởng về huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng tín dụng nhưng tỷ lệ nợ xấu thấp như thời gian vừa qua.
Tỉnh cũng cần có những thay đổi mới trong công tác thu hút đầu tư, tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu đầu tư hướng tới những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và tìm ra cách thu hút được vốn xã hội ở ngay những lĩnh vực vốn thường được cho là “địa hạt và trách nhiệm” của ngân sách nhà nước. Đơn cử như dự án cấp nước trị giá hàng nghìn tỷ đồng - lĩnh vực trước nay chỉ do Nhà nước đầu tư đã được tỉnh Hà Tĩnh huy động thành công một DN tư nhân đầu tư, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho ý kiến xử lý một số kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh, tạo điều kiện và cơ chế để Nghệ An gỡ vướng trong phát triển. Đó là việc giải quyết cấp điện cho một số xã chưa có điện lưới quốc gia, chủ trương điều chỉnh quy hoạch xi măng, đôn đốc đẩy nhanh Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (2x600 MW).
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông quan trọng qua địa bàn tỉnh, việc đầu tư luồng cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi, dự án nâng cấp sân bay Vinh, hạ tầng thị xã Hoàng Mai mới thành lập, xây dựng Nhà máy thép xốp từ mỏ sắt Thạch Khê,…