Việc thành lập tổ hợp tác cùng tương trợ đã đem lại hiệu quả tích cực cho mô hình du lịch cộng đồng homestay Mỹ Sơn (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
|
Du khách quốc tế tham gia dịch vụ du lịch homestay tại Mỹ Sơn
|
Tổ hợp tác (THT) du lịch cộng đồng homestay Mỹ Sơn vừa được thành lập với sự phối hợp giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam. Ông Võ Văn Sơn - Tổ trưởng THT homestay Mỹ Sơn cho biết: “Việc tham gia THT dựa trên tinh thần tự nguyện của các hộ dân trong làng du lịch. Các thành viên THT chia thành nhiều nhóm ở các lĩnh vực phục vụ khác nhau, chịu sự quản lý chung và trích một phần lợi nhuận cho THT, còn THT sẽ chịu trách nhiệm tìm khách để nhóm hoạt động”. Mỗi nhóm có nhóm trưởng với nhiệm vụ thu hút khách, giao dịch với đối tác. Đến nay, đã có nhiều nhóm ra đời như nhóm nấu ăn, nhóm lưu trú, nhóm xe đạp, nhóm leo núi, chèo thuyền, văn nghệ... Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất là hai nhóm nấu ăn và lưu trú.
Nhóm nấu ăn gồm 7 thành viên. Ban đầu, các thành viên tự góp tiền để mua xoong, chảo... Cứ xong mỗi lượt khách, nhóm trích 2 triệu đồng từ doanh thu để mua thức ăn cho những chuyến khách sắp tới. Nhóm lưu trú có 5 hộ với 9 phòng ốc khang trang, có máy lạnh, đảm bảo điều kiện cho du khách lưu trú. Cứ như vậy, sau mỗi lượt khách mỗi nhóm sẽ trích 10% lợi nhuận để nộp cho THT. Ông Sơn cho biết: “Số tiền này dùng trả lương cho các nhân viên của THT để tổ sử dụng trong công tác giao dịch, tìm kiếm khách hàng và thực hiện những công tác an sinh xã hội cho người dân trong làng du lịch như làm từ thiện, vệ sinh môi trường...”.
Tới Mỹ Sơn, ngoài việc tham quan tháp cổ, du khách còn được lưu trú tại làng du lịch cộng đồng, cùng dân trong làng nấu ăn, thưởng thức những món ăn truyền thống Quảng Nam. Trong dịp Festival Di sản Quảng Nam vừa qua, tại căn nhà tranh tre do ông Nguyễn Đức Nha - Tổ trưởng tổ lưu trú, đoàn khách Mỹ đã cùng những thành viên trong tổ nấu ăn, tự xay bột, đúc bánh xèo, nấu những món ăn dân dã… Ông David Bradley (một du khách Mỹ), nói: “Tôi rất thích thú với món ăn Việt. Ở đây tôi được tự tay xay bột để đúc bánh xèo, một món ăn mà quê tôi không có; được dùng đũa gắp thức ăn, một cách ăn mà đất nước tôi không có. Đến đây, tôi chỉ cần được như thế”. Tạo được ấn tượng với du khách như vậy là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong các nhóm, và giữa các nhóm với nhau, cũng như nhờ vào sự điều phối của THT. Ông Nha bày tỏ: “Việc thành lập các nhóm giúp tổ du lịch có được sự quản lý chung, đoàn kết, chặt chẽ, có tiếng nói hơn...”.
Theo ông Võ Văn Sơn, thời gian tới với lượng khách đông hơn, làng du lịch cộng đồng sẽ hoàn thiện lại các nhóm khác như xe đạp, nhóm làm nông... Theo đó, các nhóm có sự tương hỗ với nhau để hoạt động. Ví dụ như nhóm làm nông ngoài việc tập cho du khách làm đồng còn cung cấp rau củ quả cho nhóm nấu ăn. Nhóm lưu trú thì giới thiệu khách cho các nhóm khác như đi thuyền, xe đạp đến tham quan... Lâu nay, khách du lịch đến Mỹ Sơn chỉ trong thời gian ngắn rồi về Hội An hoặc Đà Nẵng, không có gì trải nghiệm ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn. Mô hình THT tạo điều kiện để du khách giao lưu với người dân địa phương, tìm thấy giá trị văn hóa bản địa, và qua đó để người dân địa phương có thu nhập, góp phần phát huy giá trị di sản.