(TITC) - Nằm cách thủ đô Hà Nội 50km về phía bắc, Bắc Giang là vùng đất không chỉ có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa với gần 2.300 di tích mà còn hấp dẫn bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng nghề truyền thống độc đáo, hơn 500 lễ hội cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, lại chưa có sản phẩm đặc thù thực sự cuốn hút du khách nên so với các tỉnh lân cận, du lịch Bắc Giang vẫn còn là “vùng trũng”. Từ thực tế đó, nhiều giải pháp đã được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện nhằm tạo dựng thương hiệu cho du lịch Bắc Giang.
|
Khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm |
Thời gian qua, từ các nguồn vốn khác nhau, tỉnh Bắc Giang đã ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Điển hình như dự án trồng cây xanh, làm đường bê tông lên đền Trung, xây dựng hệ thống đường leo núi ven suối, kè đá thác nước, đảo nổi, hệ thống điện thắp sáng, quy hoạch rừng cảnh quan… tại khu du lịch Suối Mỡ (Lục Nam); khởi công xây dựng tuyến đường 293 từ Tp. Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) kết nối với nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn như: Đồng Thông, Khe Rỗ (Sơn Động), Suối Mỡ (Lục Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); xây dựng nhà sàn truyền thống, thành lập đội hát Then… Đặc biệt, năm 2009, Tổ chức phi chính phủ GTV và tỉnh tự trị Trento (Italia) đã thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Giang với tổng kinh phí đầu tư gần 200.000 euro, tập trung vào việc xây dựng mô hình đón tiếp khách tại nhà, hướng dẫn cách nấu ăn, hướng dẫn viên; xuất bản tờ rơi; xây dựng một số tour, tuyến, biển chỉ dẫn...
Ngoài ra, Bắc Giang cũng đã xây dựng các quy hoạch tổng thể cho nhiều khu, điểm du lịch như: Khuôn Thần, hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử, suối Mỡ, khu di tích khởi nghĩa Yên Thế…; quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí (nhà hàng, khách sạn, tượng đài, sân golf…); phê duyệt Đề án “Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch giai đoạn 2012 - 2020” với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng; ban hành kế hoạch “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011- 2016”…
Song song với việc tập trung nâng cấp hạ tầng, Sở VHTTDL Bắc Giang còn quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư du lịch nhằm quảng bá hình ảnh Bắc Giang đến đông đảo du khách như: tham gia Festival Di sản Quảng Nam vào tháng 6/2013 với một số hoạt động gồm: triển lãm “Không gian văn hóa Việt Nam – ASEAN”; giới thiệu và trình diễn các di sản văn hóa tiêu biểu như: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca quan họ, ca trù, hát ống, dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan, lễ hội Thổ Hà, lễ hội Yên Thế, di tích An toàn khu II… Trước đó, Bắc Giang cũng đã tham gia Hội chợ Du lịch Đồng bằng sông Hồng mở rộng Hải Phòng 2013.
Để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, thời gian tới, du lịch Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, đề án đã được phê duyệt; đồng thời mở rộng xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Bắc Giang cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên; phấn đấu xây dựng những sản phẩm đặc trưng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực như: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh...
Nhờ những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, những năm gần đây, du lịch Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút ngày càng nhiều hơn lượng khách đến tham quan mỗi năm. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón hơn 400 nghìn lượt khách, giải quyết việc làm cho gần 4 nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phạm Phương