Năm 2008 - thời điểm bắt đầu mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội mới đón được 1,2 triệu lượt khách quốc tế và gần 7 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2012, thành phố đón được 2,1 triệu lượt khách quốc tế và gần 12,3 triệu lượt khách nội địa, đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm.
Sáu tháng đầu năm 2013, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, lượng khách du lịch vào Việt Nam bị giảm sút nhưng du lịch Hà Nội vẫn đón được 1,03 triệu lượt khách quốc tế (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước) và 7,3 triệu lượt khách nội địa (tăng 8%).
Đó là những minh chứng thuyết phục cho nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô trong tận dụng cơ hội, biến tiềm năng du lịch thành lợi thế để thu hút khách, kể từ sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Sau 5 năm nhìn lại, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định du lịch Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ, hình ảnh du lịch ngày càng gần hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thủ đô Hà Nội vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đa dạng về các giá trị lịch sử, nhân văn với những điểm đến nổi tiếng như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, làng nghề Bát Tràng…
Sau khi mở rộng địa giới, tiềm năng du lịch Hà Nội càng thêm phong phú bởi xứ Đoài cũng là vùng đất cổ giàu bản sắc văn hóa, lại có thêm nhiều giá trị về du lịch sinh thái, làng nghề, làng cổ.
Phát huy lợi thế đó, những năm qua, thành phố tạo nhiều điều kiện phát triển du lịch nhằm đánh thức vùng đất mang nhiều dấu ấn huyền thoại này. Đó là việc phát triển hạ tầng tại các "điểm đến," đưa lễ hội chùa Hương thành lễ hội mang tầm quốc gia, xây dựng loại hình du lịch cộng đồng tại Ba Vì, tour du lịch võ thuật, du lịch làng nghề Vạn Phúc, Quất Động, Duyên Thái, Phú Vinh, du lịch làng cổ Đường Lâm…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Bạch Công Tiến phấn khởi cho biết từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, du lịch Ba Vì có bước tăng trưởng mạnh; từ chỗ đón khoảng 1 triệu lượt khách năm 2008, đến nay đã tăng lên 2,2 triệu lượt khách.
Du lịch Ba Vì bước đầu đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, mang lại hiệu quả lớn đối với phát triển kinh tế vùng. Cơ sở hạ tầng trong các khu du lịch được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của du khách.
Tại Ba Vì, nhiều khu du lịch trở thành điểm đến quen thuộc với du khách như Ao Vua, Khoang Xanh-Suối Tiên, Thiên Sơn-Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long-Bằng Tạ, Vườn quốc gia Ba Vì. Gần đây, hai điểm du lịch mới được xây dựng là Du lịch Long Việt và Trang trại Đồng quê càng tạo sức hút cho du lịch Ba Vì.
Cùng với việc khơi dậy tiềm năng du lịch vùng mở rộng, Hà Nội cũng tích cực đầu tư nâng cấp, cải tạo những điểm đến ở khu vực Hà Nội cũ tạo, sự đồng bộ trong phát triển du lịch.
Khi Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được hoàn thành, du lịch Hà Nội có thêm cơ hội phát triển xứng với vị thế là điểm đến hấp dẫn của cả nước và khu vực.
Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể như đề án phát huy giá trị di sản lễ hội Gióng, giá trị làng cổ Đông Ngạc, quy hoạch hồ Suối Hai-núi Ba Vì, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.
Trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư cho xúc tiến du lịch chưa cao nhưng với sự nỗ lực, ngành du lịch Hà Nội đã tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh Thủ đô đến đông đảo du khách. Bên cạnh công tác xúc tiến du lịch tại chỗ, tham gia các tổ chức du lịch ở khu vực, Hà Nội còn thực hiện nhiều chương trình xúc tiến tại các địa phương trong cả nước, xúc tiến du lịch nước ngoài.
Một số thị trường trọng điểm như Nga, Mỹ, Hàn Quốc... cũng được thành phố tổ chức các chương trình xúc tiến, sắp tới sẽ mở rộng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và Bắc Mỹ.
Mời khách đến nhà đã khó, việc tạo ấn tượng tốt với khách khi họ sang du lịch còn khó hơn. Chính vì vậy, cùng với công tác đầu tư sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch, tổ chức tốt các dịch vụ đi kèm, thành phố Hà Nội cũng chú trọng cải thiện môi trường du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho khách.
Điển hình như quận Hoàn Kiếm tổ chức đội trật tự khu vực hồ Hoàn Kiếm gồm 68 người. Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám có lực lượng trật tự gồm 7 người phối hợp với công an địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách.
Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý hiện tượng chèo kéo, “chặt chém,” lừa đảo, ép giá du khách.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đánh giá sau khi mở rộng địa giới hành chính, tài nguyên du lịch của Hà Nội càng phong phú, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp khai thác phục vụ du khách. Thời gian tới, thành phố cần quan tâm hơn trong việc khai thác tiềm năng du lịch khu vực này để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng nhìn trên tổng thể, du lịch Hà Nội đã có những bước chuyển biến đáng kể. Năm 2012, Hà Nội được Smart Travel Asia - tạp chí du lịch trực tuyến hàng đầu châu Á bình chọn đứng thứ 6 trong các điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; nhiều năm liền được tạp chí Travel and Leisure bình chọn là một trong 10 thành phố hấp dẫn nhất châu Á.
Hà Nội cũng được website Trivago - trang du lịch trực tuyến có uy tín trên thế giới bình chọn là thành phố có dịch vụ khách sạn tốt thứ 2 trên thế giới. Gần đây, website du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor bình chọn Hà Nội lọt vào tốp 25 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á.
Điều đó đã khẳng định những nỗ lực của ngành du lịch trong việc xây dựng hình ảnh Hà Nội ngày càng đẹp hơn trong con mắt du khách trong nước và quốc tế.