Tập đoàn Rạng Đông đã có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Thuận xin được đầu tư hạng mục hàng không dân dụng dự án sân bay Phan Thiết trên diện tích 500 héc ta với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông vừa cho biết.
Theo ông Đông, dự kiến việc chuẩn bị diện tích đất 500 héc ta dành cho hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 thì dự án sẽ khởi công và sẽ đưa vào khai thác năm 2016.
“UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Giao thông Vận tải cũng rất ủng hộ việc Rạng Đông làm chủ đầu tư dự án này. UBND tỉnh vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc Tập đoàn Rạng Đông xin đầu tư hạng mục hàng không dân dụng dự án sân bay Phan Thiết”, ông Đông cho hay.
Cũng theo ông Đông, nếu được làm chủ đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết, trong tương lai Tập đoàn Rạng Đông sẽ mua máy bay để được khai thác các chuyến bay trong nước, quốc tế.
Tập đoàn Rạng Đông là một tập đoàn tư nhân xây lắp hạ tầng, được thành lập từ năm 1991 (theo trang web của tập đoàn này), đến nay đã có 11 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, hạ tầng giao thông, sân gôn, xây dựng, khoáng sản, trồng rừng, bất động sản… và giờ tập đoàn này muốn mở rộng sang lĩnh vực hàng không dân dụng.
Được biết, dự án sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết được quy hoạch giúp đảm bảo hoạt động hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động quân sự. Trong đó, hạng mục hàng không dân dụng được Bộ Giao thông vận tải và chính quyền tỉnh Bình Thuận kêu gọi hình thức xã hội hóa.
Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, sân bay Phan Thiết với quy mô khoảng 500.000 hành khách một năm. Đến năm 2030, lượng hành khách qua sân bay này lên đến 1 triệu khách mỗi năm. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư của cả hạng mục quân sự quốc phòng và hàng không dân dụng có tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng.
Trước đó vào tháng 11-2012, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã trình Bộ Giao thông vận tải quy hoạch 4 cảng hàng không gồm Cát Bi, Quảng Ninh, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới và 3 sân bay gồm Thọ Xuân, Quảng Trị, Phan Thiết.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2013 này tiếp tục nghiên cứu việc áp dụng hình thức đầu tư PPP, BOT, BT… đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không trong điều kiện đặc thù về quản lý chuyên ngành hàng không tại Việt Nam để tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp quản lý dự án theo phân công nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải.