Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Bác Hồ phát động Tết trồng cây, hôm qua 26.11 tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Hội thảo khoa học: “60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây (1959 - 2019)”.
Bác Hồ với Tết trồng cây. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Nhiều ý kiến khẳng định, dù thời gian đã trôi xa nhưng tư tưởng của Người về “trồng cây”- “trồng người” vẫn luôn luôn là những bài học chân lý vẹn nguyên giá trị.
Tư tưởng của Người trong Tết trồng cây
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế, thể hiện phong cách đạo đức, lối sống giản dị, mộc mạc và thanh cao. Và cũng chính tại nơi này cách đây tròn 60 năm, ngày 28.11.1959, hướng tới 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân số 2082. Người đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”.
Sau khi phát động phong trào, Tết Nguyên đán năm ấy Bác là người đầu tiên và gương mẫu thực hiện. Bác đã trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (nay là Công viên Lênin) vào ngày 11.1.1960, mở đầu cho phong tục mới vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng theo ông Công, về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tết trồng cây, Người chỉ rõ, việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Với ý nghĩa đó “Tết trồng cây” trở thành một phong trào rộng lớn đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cho đến mãi tận ngày nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về, góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân”, “càng giàu đẹp” đúng như Người hằng mong mỏi.
Tư tưởng chỉ đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tết trồng cây đã trở thành một nội dung của kế hoạch phát triển dân sinh, kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn cũng như miền núi, những người đã đóng góp nhiều cho cách mạng nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn gian khổ. Người đã kêu gọi nông dân “Phải trồng cây để làm nhà ở”. Theo quan điểm của Bác, Tết trồng cây đóng vai trò quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân. Đây là một việc làm quan trọng cho việc xây dựng nông thôn mới nay mai. Do đó, nó được coi là kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục của Nhà nước.
Người thường nhắc đến câu tục ngữ: “Rừng vàng, biển bạc” và yêu cầu “chúng ta chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi vì “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc đổ xuống sông”. Theo ông Công, “Tết trồng cây” thể hiện rõ tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng vì nước vì dân, xây dựng nước nhà, xây dựng phát triển nông thôn mới. Nó vừa có lợi ích thiết thực trước mắt vừa lâu dài đến nhu cầu sống thường ngày của nhân dân nên đã được nhân dân thừa nhận, tự nguyện tham gia một cách tích cực, duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, lâu dài, liên tục và hiệu quả ngày càng cao.
“Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và 60 năm Người phát động “Tết trồng xây”, nhắc lại những tư tưởng vẫn còn nóng hổi giá trị như Người vừa mới viết ra, chúng ta càng tự hào vì đã làm theo chỉ dẫn của Người, kiên quyết khắc phục những thiếu sót về lãnh đạo, về tuyên truyền giáo dục, về tổ chức thực hiện nhằm biến những tư tưởng của Người thành hiện thực”, ông Công nói.
Quang cảnh hội thảo
Hai sự nghiệp cao cả của Bác
Theo PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, đã 50 năm mùa Xuân kể từ ngày Bác đi xa, nhưng giá trị và truyền thống “Tết trồng cây” mà Người phát động vẫn còn nguyên giá trị và trở thành một phong trào sâu rộng, một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Nhớ lời Bác dạy, TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch viết: Bác bảo đầu năm mọi người hãy thực hiện việc trồng cây, gợi nhớ cho mỗi chúng ta về sự chăm chút lo toan tới đạo lý sống “trồng cây” để “trồng người”. Mối quan hệ biện chứng “trồng cây”, “trồng người”, hai sự nghiệp cao cả trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được đề cập trong ý kiến của Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Cao Hải Yến: “Từ tư tưởng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây” gắn với điểm nhấn là phong trào “Tết trồng cây” do chính mình khởi xướng và phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến chiến lược trăm năm, đó là “trồng người”. Bác luôn cho rằng: Con người là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển của đất nước. “Trồng cây” và “trồng người” đều là vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của dân tộc. “Trồng cây” là để gây dựng nên các cơ sở vật chất trong sinh hoạt của gia đình, của cộng đồng và để bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân. “Trồng người” là để bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ kế thừa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.
Bà Cao Hải Yến cũng nêu rõ, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn coi trọng sự nghiệp “trồng người”, coi “trồng người” là chiến lược cơ bản và lâu dài, gắn với sự sinh tồn và phát triển của đất nước. Người luôn coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức và luôn thường xuyên bồi đắp nền tảng ấy cho con người. Bên cạnh đó, Người đòi hỏi phải tạo nên những con người có ý chí học hỏi, cầu tiến, không ngừng vươn lên làm chủ những thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội và những kiến thức mới của thời đại.
Phương Anh