Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Chế biến món bánh đúc không khó nhưng để bánh đúc ngon lại đòi hỏi người làm bánh đôi chút kỳ công. Kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu là gạo tẻ trắng, thơm, là hạt lạc vỏ tươi, mẩy đều cho đến việc tìm hiểu từng quy trình làm bánh.

Người làm bánh ngâm gạo vài ngày trong nước, sau đó vớt gạo ra để ráo rồi xay thành bột. Bột gạo lại được hòa vào nước vôi trong giúp bánh dẻo, dai. Lượng nước vôi pha vào bột gạo vừa đủ để bánh khỏi bị nồng, nát. Người làm bánh tráng một lớp mỡ mỏng vào nồi nấu tạo vị béo cho bánh. Đổ bột vào nước quấy đều đến khi bột thành bánh. Để bánh có vị ngọt bùi, người làm bánh cho thêm nhân lạc vào nồi, đợi đến lúc bánh chín hẳn rồi dùng muôi múc ra sàng lót lá chuối. Bánh đúc lạc thưởng thức với tương mà đặc biệt là tương Bần thì thật ngon biết bao.

Ngoài bánh đúc nhân lạc, người chế biến còn sáng tạo ra nhiều loại bánh đúc như bánh đúc nóng, bánh đúc sốt, bánh đúc riêu cua, bánh đúc cẩm thạch... Mỗi loại bánh mang một hương vị riêng:

Bánh đúc nóng còn bốc khói có mùi thơm của hành phi, nước mỡ, có vị ngon của các loại rau tươi, của thịt.

Bánh đúc sốt thoang thoảng một mùi thơm ngầy ngậy, béo béo, đó chính là sự hòa trộn của mùi bột gạo, vôi và rau cải (cải bẹ). Thêm vào đó là hương vị bùi bùi của đậu xanh.

Bánh đúc riêu cua là bánh đúc không nhân được thái mỏng, khi ăn chan với canh riêu cua nóng.

Bánh đúc cẩm thạch là bánh đúc của người miền Nam không khác nhiều so với bánh đúc của người miền Bắc, có khác chăng chỉ là chút nước dừa tạo hương sắc cho mảnh đất phương Nam.