Ðến với Đắk Lắk là đến với những cánh rừng đại ngàn cùng những đồi, núi, dốc đèo trập trùng, vẻ hùng vĩ uy nghi của nó đã làm nhiều người mới đến lần đầu cảm thấy ớn lạnh. Nhiều người lầm tưởng nơi đây quanh năm suốt tháng người dân chỉ biết ăn cá khô từ các tỉnh đồng bằng mang lên. Nhưng thực chất nơi đây có nhiều món ăn thuộc nhiều dân tộc khác nhau sinh sống.
Đến với Đắk Lắk bạn không chỉ được ngắm thắng cảnh của một vùng rừng mà bạn còn được thưởng thức những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc cùng những món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của người dân tộc nơi đây. Cá bống là loại rất phổ biến, nó sống trong các kênh rạch, ao hồ, sông suối nơi đâu cũng có, nhưng cá bống Tây Nguyên thì lại khác, nó sống ngay trong dòng thác đổ. Các con thác Tây Nguyên ngày đêm gầm rú hòa vào âm sắc của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn những bản hòa tấu vang động. Trong dòng thác đó tưởng như không còn loài sinh vật nào có thể sống được. Vậy mà cũng có loài chỉ sống nơi những ngọn thác đổ ào ào, đó là cá bống thác. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay. Nó không sống được nơi nước lặng có bùn như loại bống mủn, bống mít dưới đồng bằng.
Tháng ba nắng gió Tây Nguyên gắt gao hơn, các con thác vơi nước bớt đi vẻ oai hùng thì cũng là lúc các cư dân người dân tộc thiểu số nơi đây bắt đầu công việc dọn nương để chuẩn bị mùa rẫy mới. Hành trang trên đường đi rẫy, họ chỉ cần ít gạo và dụng cụ nấu ăn, còn thức ăn sẽ đi xuống những thác nước lấy rổ luồn vào khe đá những chỗ nước chảy xiết để bắt loại cá này. Cá được mang lên, còn tươi nhảy lao xao, con nào con ấy bé tròn, họ xả cho sạch nhớt trên mình và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó đi đào lấy ít riềng rửa sạch giã nhỏ. Bây giờ chỉ còn việc bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt, đợi riềng và cá quyện vào nhau, lúc này họ mới cho mắm muối và các gia vị: hành, tiêu, ớt, đường và bột ngọt tạo độ vừa ăn.
Mùa làm rẫy nắng nóng người làm rẫy về trưa đã thấm mệt. Mùi thơm của cá bống thác kho riềng bốc lên thơm ngào ngạt làm cồn cào cái dạ dày mà suốt sáng tới giờ nó đã phải làm cái việc chuyển hóa năng lượng, nhắc nhủ họ tìm đến những gốc cây kơnia gần đó để dùng bữa trưa đạm bạc mà thanh nhã. Cơm gạo lúa rẫy chín tới, cá bống thác kho riềng vừa xong, mùi hương của cơm, của cá quyện vào nhau thơm đến lạ lùng, chỉ núi, rừng Tây Nguyên mới có được. Bới chén cơm gắp con cá, và vào miệng cá bống thác giòn tan, thấm vị giác, mùi thoảng lên khứu giác thật là một cảm giác khó quên trong những ngày làm rẫy. Cơm đó, cá đó ăn với canh cà tím quả tròn, nhỏ mọc ven suối thật là món ăn quê nhưng lại không đâu có. Cơm trưa xong, nghỉ mát dưới bóng cây kơnia, cái gió Tây Nguyên làm vơi bớt cái nắng như thiêu như đốt làm cho người làm rẫy chìm vào giấc nghỉ trưa thanh bình và cái mệt nhọc của một buổi lao động nhờ đó cũng tan đi.