Từ 16-17/2 (tức ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch), tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), hàng vạn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đã có mặt chứng kiến lễ hội chọi trâu được coi là cổ nhất Việt Nam.
Sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội chọi trâu tiếp tục được tổ chức từ năm 2002.
Năm nay có 32 "ông Cầu" - tức trâu chọi, tăng sáu trâu so với năm 2013, trong đó có 25 trâu của các thôn và bảy trâu của các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp đến từ các thôn trong xã tham gia, có 16 cặp đấu loại trực tiếp để chọn các ông Cầu thắng vào thi đấu ở vòng trong.
Ông Cầu thắng trận sẽ được nhận số tiền thưởng lên tới 40 triệu đồng.
Trước khi bước vào thi đấu vào ngày 16 tháng Giêng, các ông Cầu phải làm lễ tế trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh vào ngày 15 tháng Giêng để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội.
Các ông Cầu được mua về từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… qua tuyển chọn kỹ càng, theo những tiêu chí như mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ, đặc biệt các ông Cầu phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu.
Tiếp đó, các ông Cầu được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm.
Ông Nguyễn Đức Dục, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lựu cho biết: “Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hàng năm thu hút khoảng 5-6 vạn du khách. Dự kiến lượng du khách đến lễ hội năm nay còn tăng hơn so với năm trước do được tổ chức vào hai ngày cuối tuần. Để hạn chế sự quá tải, Ban tổ chức sẽ hạn chế lượng vé bán ra (mức giá là 50.000 đồng/vé).