(TITC) - Vào đầu tháng 12 tới, Công ty Thuyền Sài Gòn (Saigon Boat Tour) sẽ chính thức đưa vào khai thác tour du ngoạn bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là dịch vụ du lịch mới nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách khi đến TP. HCM.
Với chiều dài 8,7km, rộng chừng 60m, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh, nơi tập trung hầu hết cảnh quan kiến trúc đặc trưng của thành phố. Tại đây sẽ có 10 thuyền du lịch chèo tay, mỗi thuyền có sức chứa khoảng 20 người, đưa du khách du ngoạn cảnh quan hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đoạn từ Thảo Cầm Viên đến gần chùa Vĩnh Nghiêm) trong khoảng 2 giờ. Khi con nước thuận lợi, thuyền sẽ chở khách liên tục từ sáng sớm đến 23h00 hàng ngày. Do một số cây cầu bắc qua kênh thấp nên thuyền được thiết kế chỉ cao khoảng 1m để có thể đi qua được dòng kênh.
Ngoài 10 chiếc thuyền chèo tay trên kênh Nhiêu Lộc, Công ty Thuyền Sài Gòn cũng sẽ đưa vào hoạt động 10 chiếc thuyền chạy bằng máy, phục vụ khách tham quan từ bến Nhà Rồng đến bến Bình Đông trong khoảng một giờ. Công ty sẽ xây hai bến thuyền ở gần Thảo Cầm Viên và chùa Vĩnh Nghiêm để thuận tiện cho việc đi lại của du khách.
Những dòng kênh ngang dọc trong lòng TP. HCM là nét độc đáo riêng của thành phố. Vì vậy, du lịch đường sông là sản phẩm du lịch được TP. HCM định hướng phát triển trong thời gian tới. Với dịch vụ chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, du khách sẽ có thêm một hoạt động giải trí thú vị để có thể ngắm cảnh đẹp của thành phố trên sông nước.
Với khoảng 1.000km sông, kênh, rạch, TP. HCM có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường sông. Năm 2013, TP. HCM đã đưa vào khai thác 7 tour du lịch đường sông với điểm xuất phát là bến Bạch Đằng (Quận 1) đến các điểm tham quan ở Bình Quới (quận Bình Thạnh), nhà vườn Long Phước (Quận 9), huyện Củ Chi...
Hiện nay có 34 phương tiện (tàu thuyền) hoạt động kinh doanh du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP. HCM. Thành phố đang lên kế hoạch xây cầu tàu, nhà chờ ở một số điểm như gần chùa Long (Quận 7), cầu Chà Và (Quận 8), cầu Móng (Quận 4), gần phà Bình Khánh (huyện Cần Giờ)... Dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ có từ 8-10 cầu tàu, nhà chờ mới đi vào hoạt động.
Thành phố cũng đã soạn thảo “Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo dự thảo Chiến lược, đến năm 2015, thành phố sẽ cải tạo và xây mới khoảng 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ… với kinh phí khoảng 22 tỷ đồng; kết nối đường bộ tới các điểm tham quan phục vụ tàu thuyền, khách đi tàu; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại Quận 9, các huyện Củ Chi, Cần Giờ… Thành phố phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.
|
Phạm Phương