Tây Ninh: Đón bằng công nhận múa trống Chhay-dăm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật: 26/06/2015
(TITC) - Ngày 22/6/2015, UBND xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận múa trống Chhay-dăm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành Nguyễn Nam Hưng cho biết, để Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm được bảo tồn lâu dài nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer, huyện đã yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là UBND xã Trường Tây tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con dân tộc Khmer trong xã có điều kiện thường xuyên tổ chức biểu diễn múa trống Chhay-dăm, hỗ trợ kinh phí đào tạo, truyền dạy múa trống Chhay-dăm cho các thế hệ Khmer trẻ.

Múa trống Chhay-dăm là loại hình nghệ thuật sân khấu rất đặc biệt, được Phối sư Thái Chia Thanh (người Campuchia) truyền dạy cho đồng bào Khmer tại Việt Nam vào năm 1972 để biểu diễn trong lễ hội Cao Đài tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Về sau, múa trống Chhay-dăm cũng được biểu diễn trong tất cả các dịp lễ, tết, các đám phước, lễ dâng y kathina (lễ cúng giải hạn), lễ kiết giới xây-ma (lễ khánh thành nhà mới cho Phật) và cả trên sân khấu tuồng Rôbăm, Dù kê... của người Khmer. Đến nay, loại hình nghệ thuật này chỉ còn được một vài nhóm dân tộc Khmer Nam Bộ gìn giữ, trong đó có nhóm dân tộc Khmer ở xã Trường Tây.

Múa trống Chhay-dăm không sử dụng lời ca, tiếng hát như tuồng, chèo... mà chỉ có tiếng hô của diễn viên múa kết hợp với tiếng nhạc trống (có đệm thêm tiếng cồng, chũm chọe, gõ sênh) nhằm tạo bầu không khí rộn ràng, vui nhộn trong suốt chương trình. Múa trống Chhay-dăm còn có động tác đánh trống, múa trống và múa tay (khi múa đơn, khi múa đôi, múa ba, múa tư hay múa tập thể). Khi biểu diễn, các diễn viên múa đeo trống trước bụng rồi xếp thành hàng ngang, hàng dọc hay hình vòng cung và bắt đầu dùng bàn tay vỗ nhịp nhàng vào mặt trống, phức tạp hơn là dùng cùi chỏ hay gót chân đánh trống hoặc gõ trống vào nhau, vừa gõ trống vừa nhún nhảy theo kịch bản dựng sẵn. Phụ họa còn có một số diễn viên biểu diễn đánh cồng, đánh chũm chọe, múa khỉ...

Trống sử dụng trong múa Chhay-dăm được làm bằng thân cau già, bên trong khoét rỗng ruột. Trống cao hơn 1m, phần đầu bịt da trâu, bò hay trăn khô, phình to với đường kính khoảng 30cm, sau đó nhỏ dần và đến phần đuôi lại phình ra với đường kính khoảng 15cm. Phần đuôi này không được bịt da. Trên thành trống trang trí cách điệu hoa văn hình cánh sen nở... Quấn quanh bên ngoài trống là những mảnh vải xanh, đỏ, vàng...

 

Thanh Hải