Nằm cạnh tuyến đường du lịch ven sông Lam, đền Giáp Cả (Xóm 13, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) là địa chỉ quen thuộc của đông đảo nhân dân và du khách gần xa.
Theo sử cũ và các bậc cao niên ở địa phương cho biết: xã Xuân Lâm trước đây có 5 ngôi đền. Đền Giáp Cả là ngôi đền có quy mô lớn nhất lại nằm ở vị trí trung tâm của làng nên hàng năm cứ "xuân thu nhị kỳ" các giáp trong làng đều mở đám rước ở các đền về đền Giáp Cả để tế lễ. Chính vì vậy nên nhân dân địa phương gọi là Đền Giáp Cả.
Đền được xây dựng cách đây trên 300 năm, tọa lạc trên một khu đất rộng trên 1.000m², được bao bọc bởi hàng rào vôi vữa kết hợp với cây xanh. Đền là một công trình kiến trúc đẹp, bề thế, bố cục ba nhà trúc theo kiểu chữ nhị có chuôi vồ, bao gồm: Hạ điện, trung điện và thượng điện kết hợp với một số kiến trúc khác như: Cổng sân lộ thiên, nhà thiêu hương, bể cạn,...tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh.
Hạ điện có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, có diện tích: 59,67m²(10,2m x 5,85m). Đây vừa là nơi tập trung chuẩn bị trước khi hành lễ, cũng là nơi dâng hương thờ phụng. Phía sau Hạ điện được chia làm 2 lối đi ra Trung điện, phía trên có trang trí các xuyên hoa cao 2,2m.
Trung điện bề thế, được làm bằng gỗ lim với hệ thống cột nối kết vì kèo, xà, hạ bằng kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống. Nhà có diện tích 49,7m², (8,65m x 5,75m), nhà kết cấu theo kiểu nhà tứ trụ gồm 3 gian 2 hồi, mái lợp ngói âm dương, các bờ nóc, bờ giải đều đắp nổi các con vật trong bộ tứ linh. Kết cấu bộ khung của Trung điện làm hoàn toàn bằng gỗ lim, các bộ vì liên kết với nhau bằng hệ thống xà, kẻ, thượng lương tạo thành một bộ khung nhà vững chắc.
Phía sau Trung điện là Thượng điện được làm theo kiểu nhà tứ trụ, có kết cấu vì kèo theo kiểu chồng rường, với phương thức trốn 2 cột cái tạo cho không gian nhà được rộng rãi hơn. Nhà có diện tích xây dựng 19,53m² (4,65m x 4,2m), gồm 1 gian 2 vì mặt trước thông với Trung điện và ngăn cách bởi một thanh xà ngưỡng có độ cao 60cm (không có cửa), 3 mặt xung quanh xây tường bao, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc thẳng. Thượng điện là nơi thờ chính của đền Giáp Cả, hệ thống thờ tự ở đây bố trí sắp xếp theo chiều dọc.
Đền Giáp Cả là một ngôi đền lớn của xã Xuân Lâm, cũng là nơi tập trung các đồ tế từ các di tích khác trong giai đoạn thực hiện tiêu thổ kháng chiến (1946).Trải qua thời gian với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thiên tai, lũ lụt, các hiện vật trong di tích có nhiều biến đổi… Hiện tại ở Đền Giáp Cả còn lưu giữ được 136 hiện vật trong đó có nhiều hiện vật có giá trị.
Các hiện vật cổ có giá trị về lịch sử văn hóa như: sắc phong 09 đạo và các hiện vật cổ như: Hương án cổ (1 cái), Long ngai (3 cái), lư hương đá cổ, kỳ lân đội đèn….
Đền Giáp Cả từ khi xây dựng cho đến nay, ngoài việc để tôn thờ, tưởng nhớ các vị thần có công với dân với nước thì đền còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một khu vực dân cư rộng lớn. Bên cạnh đó đền còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương nói riêng và nhân dân xứ Nghệ nói chung.
Hàng năm, theo phong tục và tín ngưỡng địa phương, tại Đền Giáp Cả, ngoài ngày sóc, vọng (ngày rằm, mồng một) đền còn có các nghi lễ cúng tế… mang đậm bản sắc văn hóa của nhân dân địa phương nói riêng và dân tộc nói chung như: lễ cúng khai hạ (ngày 7/1 âm lịch); lễ Hình Phù (ngày 15/3 âm lịch); lễ "kỳ phúc lục ngoạt", lễ hội mừng cơm mới, tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu....
Ngày12/6/1936 tính theo lịch âm, Đền Giáp Cả là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Xuân Lâm do ông Nguyễn Xuân Hoa (tức Bộ Lan) làm Bí thư chi bộ.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đây là nơi tập trung của dân quân du kích, nơi mở các lớp bình dân học vụ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền Giáp Cả là trạm dừng chân của các đoàn quân từ Bắc tiến vào chiến trường miền Nam.
Căn cứ vào những giá trị văn hóa và lịch sử đó, ngày 25/7/2008, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 3134/QĐ-UBND/VX công nhận Đền Giáp Cả là Di tích lịch sử - văn hóa.
Đến với Đền Giáp Cả, du khách còn được thưởng thức những món ngon đặc sản vùng quê ven sông Lam như: bún-giá-cá-ruốc, món canh hến, canh dắt ngon ngọt và nghe các nghệ nhân thể hiện những làn điệu dân ca xứ Nghệ như: hát phường vải, hò ví dặm...
Tuy vậy, để khai thác tiềm năng du lịch và bảo vệ di tích trước hết chính quyền địa phương cần thực hiện việc duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ hội, dâng hương, phục hồi các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với di tích, với địa phương, tăng cường kiểm tra xử lý các sai phạm trong việc lấn chiếm đất, xâm hại di tích cũng như các hoạt động mê tín dị đoan, ảnh hưởng xấu đến giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Đồng thời cần nâng cấp hệ thống đường giao thông từ đường du lịch ven sông Lam vào đền (khoảng 500m), khoanh vùng bảo vệ di tích, xác định ranh giới bảo vệ di tích, cắm bia, biển báo và lập hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.