Tái hiện truyền thống văn hóa gia đình đồng bào thiểu số
Cập nhật: 28/06/2016
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2016, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch (VHDL) các dân tộc Việt Nam đã tái hiện nhiều hoạt động sinh hoạt gia đình đồng bào trong sự kiện “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung bộ” tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Trải nghiệm với Tết mừng tiếng sấm

Tết mừng tiếng sấm của đồng bào dân tộc Ơ Đu (Nghệ An) được tái hiện tại không gian làng dân tộc Ơ Đu, Làng VHDL các dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là chủ thể văn hóa giới thiệu với du khách tham quan mà còn là hoạt động thiết thực góp phần tôn vinh và bảo tồn phong tục riêng đang có nguy cơ bị mai một của một trong 5 cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu). Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê, dân số của tộc người Ơ Đu chỉ khoảng hơn 376 người.

Tết mừng tiếng sấm còn được gọi là lễ cúng Tết Chăm Phtrong. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng, độc đáo nhất của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Theo quan niệm của đồng bào, mọi việc quan trọng trong đời đều bắt đầu từ tiếng sấm đầu tiên. Nó báo hiệu một mùa gieo trồng mới bắt đầu và một nguồn năng lượng mới do Thượng đế bạn tặng cho đồng bào Ơ Đu. Thông thường, Tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu kéo dài từ 5-7 ngày cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ Thần Sấm trong bản làng hoàn tất. Trong khuôn khổ giới thiệu một nét văn hóa độc đáo của người Ơ Đu tại “Ngôi nhà chung”, lễ cúng này được giới thiệu thông qua những nghi thức quan trọng nhất.

Đây là lần đầu tiên, cộng đồng dân tộc Ơ Đu từ Nghệ An giới thiệu một nghi lễ nông nghiệp độc đáo của mình. Du khách được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Ơ Đu với nghi lễ nguyên sơ, nghệ thuật ẩm thực và diễn xướng truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào.

Tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ của đồng bào Tà Ôi tại “Ngôi nhà chung”

Nghi lễ đặt tên họ Hồ của cộng đồng dân tộc Tà Ôi đã được chính chủ thể văn hóa tái hiện đúng như tinh thần nghi lễ vốn được tiến hành trong thực tế khi dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi vào năm 1969, giản dị nhưng hết sức trang trọng và thiêng liêng, thu hút sự theo dõi của các cộng đồng tham gia các hoạt động tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam và du khách tham quan.

Sau tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ còn diễn ra buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử, những người mang họ Hồ tiêu biểu của dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Qua việc tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ của cộng đồng dân tộc Tà Ôi, các cộng đồng dân tộc cũng như du khách tham dự được hiểu thêm một nét văn hóa độc đáo trong truyền thống của cộng đồng dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế), đặc biệt là nguồn gốc họ Hồ trong các gia đình của đồng bào. Tự nguyện mang họ Hồ có thể nói là sự đột phá vượt qua mọi khuôn khổ quy định của luật tục, chẳng những không bị quy kết vào tội “vi phạm luật tục” của muôn đời mà còn tồn tại như một sự bổ sung “những điều khoản mới” hết sức hệ trọng vào hệ thống luật tục, tạo nên nét văn hoá đặc sắc và độc đáo của đồng bào. Đời đời con cháu trong gia đình họ sẽ mang họ Hồ và được giáo dục, nhắc nhở về tấm lòng của người Tà Ôi đối với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.

Một hoạt động sinh hoạt gia đình truyền thống khác diễn ra tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung bộ” là lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa Cô.

Đồng bào Pa Cô đến từ huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giới thiệu tới du khách lễ cưới truyền thống của dân tộc mình. Đối với người Pa Cô, lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời, diễn ra với nhiều nghi lễ độc đáo, thu hút đông đảo du khách tới tham dự./.

Chinhphu.vn