Huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa được đầu tư đúng tầm, vì vậy thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để biến nơi này thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.
Du lịch ẩm thực thưởng thức hải sản nếu phát triển sẽ hấp dẫn du khách thành phố và quốc tế
Đó là nhận định của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại buổi khảo sát các tuyến điểm, dịch vụ du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch tại Cần Giờ vào ngày 18/2.
Đoàn khảo sát lần này đã đi theo các tuyến du lịch, như Ban quản lý rừng phòng hộ – Làng nuôi hàu trên sông – khu chế biến hải sản Đông Hòa – Khu du lịch 30/4 – Tam Thôn Hiệp.
Theo đại diện UBND huyện Cần Giờ, huyện Cần Giờ cách trung tâm thành phố 60 km, là huyện duy nhất có đường bờ biển đài trên 13 km với hệ thống sông rạch chằng chịt. Có hệ sinh thái rừng ngập mặn, Cần giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có các làng nghề truyền thống như làng nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi chim yến, các trái cây vườn xoài, nhãn…là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, tạo điều kiện cho du khách tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển các tour, tuyến điểm du lịch Cần giờ còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều du khách.
Đoàn khảo sát các tuyến điểm du lịch, dịch vụ du lịch Cần Giờ đã ghé thăm chợ hải sản Đồng Hòa, Cần Giờ
Sau khi kết thúc buổi khảo sát, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng muốn đẩy mạnh phát triển du lịch Cần giờ, trước tiên phải xác định xây dựng Cần giờ là sản phẩm đặc trưng của du lịch thành phố để có kế hoạch quảng bá. Theo đó, cần xác định sản phẩm du lịch nào đặc trưng, độc đáo nhất của Cần Giờ để quảng bá đến với người dân và du khách. Với mục tiêu phát triển cả tour du lịch đường bộ, đường thủy từ thành phố đến Cần giờ, với tiêu chí tour phải hấp dẫn du khách, các nhà quản lý của huyện cũng cần tăng cường tính kết nối, kiến tạo để tạo cầu nối cho doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch.
Theo ông Tuyến, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, UBND thành phố, UBND huyện cần nghiên cứu xây dựng đầu tư 1-2 cầu phà riêng dành cho du lịch hoặc những nhà bè nổi trên sông để người dân và du khách có những trạm dừng có thể vừa tham quan các khu vực nuôi hào, nuôi sò huyết…của người dân. Hoặc như phát triển du lịch ẩm thực hải sản, đây cũng là đặc thù hấp dẫn của Cần giờ, chúng ta có thể xây dựng những nhà lồng hải sản rộng hơn, quy mô hơn tại chợ hải sản Đồng Hòa để du khách có thể ghé tham quan mua về hay ăn liền tại chỗ. Việc này cần triển khai làm ngay để thúc đẩy du lịch phát triển.
Biểu diễn đờn ca tài tử khi đi tham quan trên sông tại Cần Giờ
“Ngoài ra, UBND huyện cần phối hợp với Công an huyện tính toán phương án di chuyển nhanh chóng cho khách du lịch, giảm thiếu tối đa việc kẹt phà, kẹt xe…Đặc biệt, khi xây dựng các tuyến tour điểm du lịch đường thủy phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Sản phẩm du lịch phải có thương hiệu, có bao bì rõ ràng…”, ông Tuyến cho biết thêm.
Được biết, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng bình quân hàng năm đối với lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Cần Giờ đạt 9,8%, tổng thu du lịch tăng bình quân hàng năm đạt 18%. Chỉ tính riêng năm 2016, lượng khách đến Cần Giờ là hơn 1 triệu lượt khách, tăng 53% so với cùng kỳ. Trong đó, các công ty du lịch đường thủy có sản phẩm tour du lịch Cần Giờ trong năm 2016 đưa 22 ngàn lượt khách đến Cần Giờ ( năm 2015 là 24 ngàn lượt khách)…
Nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Cần giờ, trong năm 2016, sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp du lịch…tổ chức 2 đợt khảo sát với 4 đoàn khảo sát các điểm tham quan, mua sắm, nhà hàng, cơ sở lưu trú và khảo sát xã đảo Thạnh An bằng đường thủy kết hợp đường bộ.