(TITC) - Sáng 19/10/2017, đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận đã chính thức tổ chức Lễ hội Katê theo nghi lễ truyền thống tại các đền tháp và lễ đón Bằng chứng nhận "Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận" được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những điệu múa truyền thống được biểu diễn tại lễ hội (Ảnh: Mai Phương)
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish và phu nhân cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự lễ tại tháp Pô Klông Garai. Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân tộc Chăm cùng Đoàn rước xiêm y đã đổ về đền Pô Inưgar, tháp Pô Klông Garai và tháp PôRômê để dự lễ. Đồng bào dân tộc Kinh, Raglai trong tỉnh cùng hàng trăm du khách trong và ngoài nước cũng đến tham gia lễ hội.
Diễn ra từ ngày 18 - 21/10/2017 (tức từ ngày 30/6 - 03/7 theo lịch Chăm), Lễ hội Katê năm 2017 của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa. Chiều 18/10 (ngày 30/6 Chăm lịch), người Chăm thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) làm nghi lễ rước xiêm y Thánh Mẫu do người Raglai cất giữ để mang đến đền Pô Inư Nưgar. Nghi lễ xong xuôi, bộ xiêm y được rước quanh làng trong sự cung kính của mọi người rồi tiến vào đền để cúng tế trong những ngày lễ hội. Sau phần lễ là màn múa quạt, múa khăn truyền thống của các thiếu nữ Chăm. Mọi người cùng chúc tụng và mời nhau ly rượu, tưởng nhớ công ơn các vị thần đã che chở và ban cho mùa màng bội thu.
Sáng 19/10 (ngày 01/7 Chăm lịch) diễn ra lễ rước xiêm y từ thôn Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) lên tháp Po Rome. Ngôi tháp tọa lạc trong một làng Chăm cổ với nhiều nét huyền bí, linh thiêng. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đồ sộ của một trong những tháp Chăm nổi tiếng của Ninh Thuận với kiến trúc độc đáo, mang dáng vẻ uy nghiêm khác lạ so với những ngôi tháp Chăm khác dọc dải đất miền Trung. Sau phần nghi lễ là những điệu múa duyên dáng, uyển chuyển của thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu.
Cùng thời điểm này, lễ rước xiêm y thần Pô Klông Garai từ thôn Phước Đồng (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) lên tháp Pô Klông Garai cũng được tổ chức. Đây là nơi hành hương của đông đảo đồng bào dân tộc Chăm. Hầu hết các làng Chăm đều đến cúng lễ và cầu nguyện cho gia đình một mùa Katê tràn đầy sức khỏe và bình an.
Sáng cùng ngày, tại tháp Pô Klông Garai cũng đã diễn ra lễ công bố và đón Bằng chứng nhận “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày 20/10 (02/7 Chăm lịch), lễ công bố và đón Bằng công nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ được tổ chức tại sân vận động làng nghề Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước).
Ngày 21/10 (03/7 Chăm lịch) là lễ Katê tại gia đình. Ngoài ra, trong suốt lễ hội còn liên tục diễn ra các hoạt động truyền thống của người Chăm như: hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, hội thi tay nghề gốm, biểu diễn văn nghệ,…
Lễ hội Katê là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn với lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài dân ca ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Qua một chặng đường dài của lịch sử, lễ hội Katê là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trong quá trình phát triển của mình. Ngày 20/6/2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã chính thức được ghi tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
|
Phạm Phương