Hòn Đá Bạc nằm sát bờ biển tây, thuộc địa phận xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 50km đường thủy, 42km đường bộ.
Hòn Đá Bạc với diện tích khoảng 6,43ha, là một cụm đảo đẹp bao gồm ba hòn lớn, nhỏ nằm gần nhau là: Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc. Trong cụm 3 hòn này, hòn cao nhất phải đến 50m so với mực nước biển. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Hòn Đá Bạc có niên đại khoảng 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh).
|
Đến với Hòn Đá Bạc, điều đầu tiên mà du khách nhìn thấy là, ngoài khung cảnh vẫn còn đậm nét hoang sơ và ngoài hình thù kỳ thú của cụm ba hòn, nơi đây còn có vô số những viên đá granit xếp chồng lên nhau và nhờ có bàn tay tạo hóa nhào nặn mà thành những hình thù hết sức độc đáo như: sân tiên, giếng nước tiên, bàn chân tiên, bàn tay tiên... Đặc biệt hơn, nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển như: Lăng Ông Nam Hải - nơi trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ và ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, ở Hòn Đá Bạc còn có cả một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng tỉnh Cà Mau.
Thêm vào đó, nơi đây còn in đậm những dấu tích lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã tấn công, bức rút trung đội pháo 105 ly mà địch dùng để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12 - đánh bại cuộc nhập biên phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu vào đầu những năm 80.
Ngoài sự hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, Hòn Đá Bạc còn lôi cuốn du khách bởi nguồn hải sản dồi dào. Du khách đến đây, có thể câu cá nâu,câu mực, câu tôm, cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước… và sau đó sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon, hiếm có của xứ biển tây.
Để đến Hòn Đá Bạc, du khách có thể đi bằng đường thủy hoặc đường bộ. Nếu đi bằng đường thủy, từ thành phố Cà Mau, du khách xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng Thành về phía tây, vượt thêm khoảng 40km nữa là đến Hòn Đá Bạc. Nếu đi theo đường bộ, từ thành phố Cà Mau, du khách theo hướng Tắc Thủ - Vườn Quốc gia U Minh Hạ; tiếp tục theo hướng về nông trường Minh Hà rồi qua Cơi Năm, du khách sẽ đến ấp Đá Bạc B, xã Khánh Bình Tây; từ đây, du khách sẽ ra Hòn Đá Bạc bằng cây cầu độc đạo nối giữa đất liền và Hòn Đá Bạc.
|
Cây cầu độc đạo nối giữa đất liền và Hòn Đá Bạc |
Tháng 6/2009, Hòn Đá Bạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.