Cách thành phố Huế 42km về phía bắc, làng cổ Phước Tích nằm bên bờ sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Làng cổ Phước Tích hấp dẫn mọi du khách bởi những ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít và nổi tiếng với nghề gốm từng được các vương triều sử dụng làm đồ dùng trong hoàng cung.
Theo sử sách và gia phả của các dòng họ còn lưu lại, làng cổ Phước Tích được thành lập từ những năm 1470. Với bề dày lịch sử Phước Tích vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn nhưng yếu tố gốc của một làng Việt cổ mang đặc trưng của vùng văn hóa Huế.
Phước Tích hiện có 117 nóc nhà với 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn, những ngôi này cũng đã có hơn 100 tuổi, ngôi nhà cổ nhất 180 tuổi - do bà Hồ Thị Thanh Nga đang gìn giữ. Những ngôi nhà cổ nằm trong không gian làng cổ có tổ chức với đường làng, ngõ xóm, nằm quần tụ sát nhau theo những mảnh vườn cổ đồng thời gắn với kiến trúc như xưa miếu từ đường, nhà thờ họ tổ...
Nhà ông Hồ Đình Lan từ cổng vào là bình phong, bể cạn, đường quanh co... hài hòa theo phong thủy. Qua hơn 100 năm tuổi mà hàng cửa cột bằng gỗ mít còn bóng loáng. Xưa ông từng làm tri huyện, nhưng suốt đời ông sống thanh liêm, trong sạch, không tham của công một cắc bạc nên khi về già được vua Duy Tân ban cho bức hoành ca ngợi công đức. Nhà ông Hồ Văn Tế liền đó cũng 100 năm, đã trải qua 4 đời giữ vẻ đẹp với bộ trường kỷ chạm trổ tinh xảo, phù điêu chạm lọng tài hoa ở cột, vì kèo...
Bên nhà cổ họ Hồ có nhà cụ Trương Công Bậc Nhà cụ Trương Công Bậc được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái. Mái lợp ngói liệt đã thắm nâu, tường gạch rêu phong cổ kính. Hàng cửa bản khoa sậm đen mầu thời gian tạo nét thâm nghiêm. Cái sân trước nhà rộng thênh thang được lót bằng gạch Bát Tràng còn khá nguyên vẹn.
Một trong những nét nổi bật của ngôi làng còn có những khu vườn kiểu Huế nhiều năm tuổi,
với nhiều loại cây khác nhau. Bên cạnh những loại cây thông thường so với khu vườn Huế còn có những cây khá lạ như: bồ quân, trần bì, cây bẹ (dùng để ăn trầu)… Ngoài ra, còn có rất nhiều loại hoa và cây cảnh quý như: hoàng lan, ngọc lan, hàm tiếu… Những khu vườn ở đây không khép kín, mỗi nhà cổ đều có vườn rộng, diện tích khoảng 1.000m² - 1.500m² . Xung quanh có hàng rào bằng cây chè tàu cắt thẳng tỉa tắp, không kín cổng cao tường nên thân thiện gần gũi láng giềng.
Ở làng Phước Tích, người dân rất tự hào về cây thị nghìn năm tuổi đang sống cùng dân làng. Cây thị có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn. Các cụ già trong làng kể lại rằng, từ ngày lập làng cây thị này đã có và cao lớn lắm rồi.
Ngày xưa, làng Phước Tích có một nghề làm gốm rất nổi tiếng. Gốm làm bằng đất sét pha bùn, có mầu nâu đen. Sự giàu sang, xây dựng lên được nhiều ngôi nhà gỗ trong làng độc đáo, bề thế, tồn tại đến bây giờ cũng nhờ vào nghề gốm.
Làng cổ Phước Tích đã được ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá cao và đã thu hút được nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu.