Dòng sông di sản
Cập nhật: 05/07/2009
Nếu như người Pháp tự hào có dòng sông Seine hoa lệ, người Hunggari có dòng Danuyp xanh lãng mạn, người Nga có con sông Đông êm đềm, thì người Huế cũng có quyền tự hào về dòng Hương Giang thơ mộng và đầy thi vị của mình.

Sông Hương không chỉ là một vẻ đẹp hoàn mĩ mà tạo hoá đã ban cho Huế mà nó còn là một dòng sông huyền thoại ẩn chứa nhiều điều về mảnh đất Cố Đô xưa.

Ngược dòng thời gian

Vào một ngày đẹp trời, xuôi dòng Hương Giang du khách sẽ được tận hưởng chút không khí trong lành và yên tĩnh trên dòng sông thơ mộng. Những chiếc thuyền mỏng manh như những chiếc lá trúc lặng lờ trôi theo dòng nước biếc, nắng trải vàng như mật khiến cho dòng sông lung linh như được dát vàng.

Ngã ba Tuần là điểm hợp lưu của hai nguồn tả, hữu - nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch vốn là nơi khởi phát của dòng sông. Đây xưa vốn là nơi đóng quân bảo vệ phía tây kinh thành Huế nên có tên là "tuần", nghĩa là đi canh gác. Thuyền theo nước xuôi dòng trôi dần về phía hạ lưu, thuyền trôi đến đâu đôi bên bờ bãi hiện dần ra đến đấy. Cái tên sông Hương, tức dòng “sông thơm” như gợi nhớ tới nhiều điều. Theo sách xưa của Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951) có kể lại rằng: "Hai bên bờ tả, hữu trạch có giống thạch xương bồ là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ, nước được ướp hương thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy".

Không chỉ đẹp, sông Hương xưa còn là trục thủy đạo chính của kinh thành, là thế phong thủy vững bền cho các vua nhà Nguyễn định đô bởi có thế “tả Thanh Long”, “hữu Bạch Hổ” được tạo nên từ hai cồn đất nổi ở giữa sông là cồn Hến và cồn Dả Viên trấn yểm ở hai đầu đoạn sông chảy qua trước cửa Hoàng thành. Bởi thế sông Hương xưa là nguồn gốc của mọi ý tưởng kiến tạo và quy hoạch suốt 700 năm của mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Là con đường giao thương phồn thịnh của xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, là nơi thao luyện của các đội thủy binh, là nơi vua tôi đi tuần thú sơn hà. Mặc cho thời gian và sự xoay vần của tạo hoá, trên đôi bờ Hương Giang nay vẫn còn đó những xóm làng, chùa chiền, đình đền miếu mạo, lăng tẩm, thành quách… Tất cả những thứ đó như minh chứng cho một thời vàng son đáng nhớ của dòng sông đầy huyền thoại này.

Kết nối hiện tại

Ngày nay, khi Huế đã là thành phố Festiaval của cả nước thì sông Hương lại càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Với vẻ đẹp tuyệt mĩ hiếm có của mình, sông Hương trở thành một trong những không gian nghệ thuật không thể thiếu để cho người ta thể hiện những ý tưởng bay bổng của mình. Trên cái nền của một đại sân khấu tự nhiên ấy, ngoài những loại hình nghệ thuật truyền thống được trình diễn và thể hiện trên sông Hương như ca Huế, đua ghe, lễ hội dân gian, hoa đăng… nó còn cho phép người ta thử nghiệm thành công nhiều loại hình nghệ thuật đương đại đầy mới mẻ như trình diễn thời trang, nghệ thuật sắp đặt, hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật đường phố…

Có thể nói, hầu như tất cả mọi ý tưởng trình diễn nghệ thuật ở Huế cũng đều được người ta tính toán cân nhắc trong mối tương quan hài hòa và gắn bó mật thiết với dòng Hương Giang. Bởi suy cho cùng, bên dòng Hương Giang, vẻ đẹp và giá trị của mọi thứ dường như bao giờ cũng được tôn lên một bậc.

        
Báo ảnh Việt Nam