Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi cả rừng và biển. Phong cảnh nơi đây hội đủ các điều kiện để khai thác nhiều loại hình du lịch như leo núi, văn hóa lịch sử, dã ngoại, du lịch sinh thái, lặn biển...
Rừng ngập mặn ở Cà Mau. Ảnh: Thanh Hà
Đặc sắc nhất là những cánh rừng ngập mặn bao la với nhiều loài cây đặc hữu như sú, đước, vẹt, bần... Nhiều cửa sông giàu dinh dưỡng là bãi sinh sản của rất nhiều loài thủy hải sản - nơi lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái dã ngoại kết hợp nuôi trồng thủy sản-tham quan sông nước rừng ngập mặn... Đây là một xu thế và trào lưu mới của khách du lịch trong và ngoài nước hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong thời gian dài, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoạt động theo kiểu “ăn xổi” trong khi rừng ngập mặn ven biển đang từng ngày bị xà xẻo, thu hẹp...
Thống kê của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy khoảng 5 năm về trước, toàn tỉnh có hơn 5.100ha rừng ngập mặn, nhưng đến nay diện tích chỉ còn khoảng 2.250ha.
Nguyên nhân chính là do nạn phá rừng ngày càng tăng; các khu công nghiệp, cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp, làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ...
Hệ quả tất yếu là thương hiệu du lịch "vang bóng một thời" của địa phương đang bị mất điểm trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. Vì vậy, giải pháp cấp bách cho ngành du lịch của tỉnh chính là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng những người làm du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản nhằm góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Thi đề xuất để đạt được mục tiêu du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương các cấp cần nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác rừng ngập mặn, không vì bất cứ lý do gì để đánh đổi, chuyển đổi việc sử dụng rừng ngập mặn cho các mục đích khác, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cũng cần có các cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn cho cộng đồng để trồng mới, giao quyền quản lý và sử dụng cho cộng đồng khai thác lâu dài, nhằm bảo đảm cuộc sống cho các hộ dân sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào hệ sinh thái rừng ngập mặn như nuôi tôm, cua, nhuyễn thể, khai thác tôm, cá trong khu vực rừng ngập mặn họ quản lý.
Để các thế mạnh và tiềm năng của địa phương không bị lãng phí vì các lý do chủ quan và khách quan, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần rà soát, thống kê lại toàn bộ các khu rừng ngập mặn ven biển, dọc hạ nguồn các con sông như sông Cỏ May, sông Rạng, sông Dinh, Chà Và, Rạch Tranh, Mỏ Nhát...
Tại các vịnh cửa biển như vịnh Ông Bền, vịnh Gành Rái... của các địa bàn thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, các huyện Long Điền, Đất Đỏ... các vùng rừng ngập mặn còn để hoang hóa hoặc chỉ nuôi thủy sản quảng canh như khu rừng ngập mặn dọc Quốc lộ 51 từ Bà Rịa đi Vũng Tàu, khu rừng ngập mặn An Ngãi huyện Long Điền...
Đối với các khu rừng ngập mặn hiện hữu, tỉnh tiến hành lập phương án và kế hoạch khai thác với mức độ vừa phải, trên cơ sở vừa khai thác du lịch, khai thác từ nuôi trồng thủy sản, vừa tôn tạo bổ sung, tạo sinh kế cho người dân tham gia chuỗi du lịch, đồng thời làm cơ sở đúc kết rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo./.