Tháng 8, về thăm Thủ đô kháng chiến Tân Trào
Cập nhật: 21/08/2009
Về thăm Thủ đô kháng chiến Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) vào những ngày tháng 8, chắc hẳn tất cả chúng ta đều có một tâm trạng bồi hồi và tự hào, cho dù ai đó đã từng tới đây nhiều lần, bởi vì cứ mỗi lần trở lại đây là mỗi lần ta lại như có cảm giác trở lại khu căn cứ địa cách mạng thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám với bao sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.

Thị xã Tuyên Quang cách Hà Nội 165km về phía tây bắc.Từ đây, theo tuyến quốc lộ 37, du khách sẽ tới thị trấn Sơn Dương, tiếp tục ngược lên phía đông bắc hơn 10km nữa, du khách sẽ tới địa phận xã Tân Trào.

Xã Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ của huyện Sơn Dương, được bao bọc bởi núi Hồng ở phía đông, núi Thoa, ngòi Thia ở phía nam, núi Bòng ở phía tây và huyện Yên Sơn ở phía bắc.

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Nơi đây gắn với nhiều sự kiện lịch sử như: Tân Trào từng là căn cứ địa cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, là thủ đô lâm thời của khu giải phóng - nơi mà Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành hội nghị toàn quốc quyết định tổng khởi nghĩa (13/8/1945), là nơi diễn ra Đại hội quốc dân ngày 16/8/1945 thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và là nơi Quân Giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân, ngày nay, xã Tân Trào còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng như: Đình Hồng Thái, Lán Nà Lừa, Đình Tân Trào, Cây đa Tân Trào, hang Bòng…

Đình Hồng Thái thuộc địa phận thôn Cả, nằm trên tuyến đường Tân Trào – thị trấn Sơn Dương. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến Tân Trào (vào đầu tháng 5/1945), là nơi tiếp đón các đại biểu cả nước về dự Đại hội vào tháng 8/1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình còn là trạm thường trực của "An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào".

                   Đình Hồng Thái                              Lán Nà Lừa

Lán Nà Lừa thuộc thôn Tân Lập, được dựng bằng tre lá, theo kiểu nhà sàn, trong lán có bàn bằng nứa, có phên lát sàn, đầu lán có hòn đá to dùng để đặt bếp. Đây từng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 8/1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945 bàn việc củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập “Khu giải phóng” và ”Quân giải phóng”, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa và chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945.

Được biết, trong thời gian tới, Tuyên Quang sẽ xây dựng mô hình Lán Nà Lừa tặng thành phố Hà Nội để hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đình Tân Trào là một ngôi đình nhỏ thờ các thần sông, núi của làng Tân Lập. Đình được xây dựng vào năm Quí Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn cột gỗ, ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván. Dưới mái đình này, ngày 16/8/1945, các đại biểu trên khắp mọi miền đất nước đã về dự Quốc dân Đại hội. Quốc dân Đại hội đã tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và cử ra Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân ở đình Tân Trào.

                   Cây đa Tân Trào                              Đình Tân Trào

Cây đa Tân Trào thuộc thôn Lập Thạch. Dưới bóng cây đa cổ thụ này, chiều ngày 16/8/1945, Quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và đội quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên về giải phóng Hà Nội.

                       Hang Bòng
Hang Bòng nằm trên lưng chừng núi Bòng, về phía tây xã Tân Trào. Hang không rộng lắm, trần cao, thoáng đãng. Từ cửa hang, du khách có thể nhìn ra cánh đồng, dòng sông Phó Đáy, ngòi Thia và suối Lênin. Trước hang không xa có một giếng nước. Trong hai năm 1950, 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở hang này. Ngày 22/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh tổng động viên nhân tài và vật lực cho kháng chiến. Ngày 25/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của nhà báo về việc Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Tháng 9/1950, Bác đã rời hang này trực tiếp đi chỉ đạo chiến dịch biên giới Thu Đông. Tháng 2/1951, Bác đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai.

Ngoài ra, tại thôn Tân Lập còn có ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) trong những ngày cuối tháng 5/1945 để lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và ngôi nhà của cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc những ngày trước Cách mạng Tháng Tám.

Với địa thế đẹp, trữ tình và rất có ý nghĩa lịch sử, di tích cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Tân Trào, ngòi Thia, sông Đáy ... đã đi vào những áng thơ hay trong bài thơ Việt Bắc (1954) của nhà thơ Tố Hữu:

“Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”…

“Nhớ từng rừng nứa, bờ tre
Ngòi Thia, sông Ðáy, suối Lê vơi đầy”…


Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng những áng thơ, những di tích lịch sử ấy vẫn thấm đượm trong mỗi con người Việt Nam chúng ta về ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, hơi thở của mảnh đất, tình người luôn sâu sắc, chứa chan...

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam và phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về du lịch, từ năm 2005, trong khuôn khổ chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu, điểm du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái của tỉnh Tuyên Quang, xã Tân Trào đã thực hiện dự án đầu tư, quy hoạch và phát triển làng Tân Lập thành làng văn hóa - du lịch kết hợp với phục dựng và sưu tầm các công cụ sản xuất, sinh hoạt; nghề truyền thống; nhạc cụ dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ… nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển những nét đẹp trong văn hóa kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày; tạo điểm đến hấp dẫn và thuận lợi cho du khách tham quan, đồng thời cũng là tạo ra các sản phẩm du lịch vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại phục vụ du khách.

Đến với Tân Trào hôm nay, ngoài việc du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn truyền thống, di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Quốc gia, những con đường, ngõ xóm sạch đẹp, du khách còn có dịp được tham dự những chương trình văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Trước khi ra về, du khách có thể mua một số món quà lưu niệm do người dân địa phương tự tay làm ra như: túi, mặt chăn, trải gối, trải bàn, khăn trải giường bằng thổ cẩm... để tặng người thân và bạn bè của mình.


 
                                                                                                                         Thanh Hải biên tập
Trung tâm Thông tin du lịch