Thường thì mỗi du khách khi đi du lịch đều muốn mua được một món quà lưu niệm để ghi lại dấu ấn vùng đất, quốc gia mình đã tới. Món quà tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa đặc trưng để ai mua sẽ mãi nhớ.
Ở các nước có nền du lịch phát triển, quà lưu niệm mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, góp phần không nhỏ trong quảng bá hình ảnh đất nước, các địa danh... Với du lịch Việt Nam, dẫu đã nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm quà tặng thật đặc sắc cho du khách, nhưng đây dường như vẫn là bài toán không dễ giải.
Quà tặng cao cấp khó kiếm, giá cao
Du lịch Việt Nam thu hút du khách nước ngoài bởi những nét văn hóa truyền thống phong phú, mang đậm bản sắc 54 dân tộc anh em. Qua các lần tổ chức những hội nghị quan trọng của thế giới, chúng ta cũng gây ấn tượng với bạn bè quốc tế bởi những sản phẩm quà tặng độc đáo, giàu tính biểu trưng văn hóa. APEC 2017 để lại trong lòng bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam không chỉ tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, lòng mến khách hay phong cảnh đẹp, món ăn ngon mà còn bởi một bộ quà tặng mang hàm lượng văn hóa cao.
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hội An. Ảnh: HUY AN
Cửa hàng kinh doanh sản phẩm thêu truyền thống Tân Mỹ Design (Hà Nội) được nhiều du khách đánh giá cao nhờ thiết kế đẹp, dịch vụ tốt, mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt. Thậm chí, cửa hàng còn là địa chỉ được chính các đại sứ đang công tác tại Việt Nam giới thiệu cho bè bạn, người thân của mình. Bà Barbara Szymanowska, cựu Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, từng đánh giá: "Với những người nước ngoài chúng tôi, cửa hàng như là một đại sứ văn hóa Việt". Thế nhưng, tiếp cận những cửa hàng như Tân Mỹ Design không phải là lựa chọn của nhiều người. Với không ít người thường xuyên phải làm việc với đối tác ngoại quốc đến Việt Nam, thì họ mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm tặng bạn bè là người nước ngoài những sản phẩm đặc trưng Việt Nam. Mặc dù yêu cầu đưa ra nghe tương đối hợp lý, như: Đẹp, mang đặc trưng Việt Nam và giá cả không cao quá so với khả năng tài chính. Thế nhưng lần nào tặng quà, với họ cũng là bài toán khó.
Thực ra, nói Việt Nam không có quà tặng ấn tượng, đặc sắc cho du khách nước ngoài không hẳn đã đúng. Nhưng để tìm được sản phẩm ưng ý thì giá lại cao hoặc khó tìm, bất chấp việc lâu nay nhiều địa phương đã quan tâm chú ý, thậm chí phát động các cuộc thi thiết kế quà tặng dành cho khách du lịch. Với người Việt đã vậy, với du khách chỉ có một vài ngày ở một điểm đến, việc tìm kiếm được món quà ưng ý lại càng khó hơn. Gặp chúng tôi tại nhà cổ Hội An (Quảng Nam), ông bà Mơ Tazi và Kyle Ann Tazi (đến từ Florida, Mỹ) nói rằng, họ rất yêu những nét văn hóa Việt Nam. Nhưng khi được hỏi họ mang gì ở Việt Nam về làm quà cho bạn bè sau gần hai tuần lưu lại Hà Nội, Hạ Long, Hội An, họ tế nhị nói rằng vẫn tiếp tục đi nữa nên chưa chọn mua gì. Các bạn cũng đánh giá các món quà lưu niệm được bày ở các cửa hàng nhìn tương đối giống nhau.
Cần thêm nhiều ý tưởng
Chị Nguyễn Lan Hương (TP Hồ Chí Minh) có sở thích sưu tầm các quà tặng du lịch ở mỗi nước mà có dịp chị ghé thăm. Trong bộ sưu tập của mình, chị khoe với tôi về món quà mua ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất): “Ngay khi vào cửa hàng đầu tiên mình đã thích lạc đà kim loại, sơn màu sặc sỡ bắt mắt và mua ngay một con làm kỷ niệm. Khi sang các cửa hàng tiếp sau đó lại có thêm những con lạc đà khác cũng rất đẹp và mình đã không cầm lòng được. Giá một con lạc đà như vậy lại chỉ trung bình khoảng 5 USD. Về nhà bày ra mình được cả một đàn lạc đà nhiều sắc thái, như cùng chung một bộ. Quả thật họ “moi” tiền của mình rất giỏi. Nhưng đi du lịch mà, mất tiền để mang về những hình ảnh đẹp thì cũng đáng”.
Tại Việt Nam, thực tế ở các địa phương có ngành du lịch phát triển cho thấy, xây dựng thị trường sản phẩm lưu niệm du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ tăng sức hấp dẫn và quảng bá hình ảnh các điểm du lịch, giữ chân du khách lâu hơn, khuyến khích việc chi tiêu nhiều hơn, mà việc phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại các làng nghề, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của từng địa phương.
Chưa chuyên nghiệp bằng Dubai, nhưng Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là một trong không nhiều nơi bước đầu đã có những quà tặng nhỏ xinh, giá cả phải chăng và đặc biệt mang theo những câu chuyện lịch sử gắn với di tích… được nhiều khách quốc tế thích thú lựa chọn. Sản phẩm quà tặng ở đây là những quả bàng khô có logo khu di tích, những lá bàng khô in ca dao, thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh… hay những chiếc bát sơn mài làm từ gáo dừa… Trong đó, lá bàng, quả bàng gắn liền với câu chuyện của các nhân chứng lịch sử kể về cây bàng ngoài sân đã cứu đói, chở che cho họ hay chiếc bát ăn cơm họ dùng trong tù… Ông Đặng Văn Biểu, Phó trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Những sản phẩm này chưa gọi là bộ sản phẩm du lịch hoàn thiện và chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục đưa ý tưởng, hoàn thiện bộ sản phẩm. Tuy là những sản phẩm nhỏ xinh nhưng việc làm ra những sản phẩm như vậy không đơn giản bởi phải mất nhiều công đoạn. Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cũng phải nhờ đến các nghệ nhân để sản phẩm du lịch vừa phải đẹp mắt, giá cả phải chăng và quan trọng là lưu giữ được trong khoảng thời gian dài”.
Bên cạnh yếu tố sản xuất, ý tưởng và giới thiệu sản phẩm cũng vô cùng quan trọng. Nhà văn hóa Hữu Ngọc gợi ý: “Không khó khăn nhưng vấn đề chúng ta phải có ý tưởng. Tôi từng tặng một người bạn Pháp chiếc điếu cày, giá rẻ thôi nhưng câu chuyện về nó gắn với văn hóa Việt làm bạn thích thú, mang về và trân trọng đặt ở phòng khách để trưng bày”. Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đưa sản phẩm lưu niệm du lịch đến tay du khách, cần hệ thống phân phối, cửa hàng và cả nhân viên giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp, bài bản. Do đó, việc thu hút, tạo điều kiện tham gia của nhiều thành phần xã hội để có những sản phẩm sáng tạo, mang nhiều yếu tố văn hóa truyền thống cần được đẩy mạnh hơn.
Huy An