Tối 23.3, UBND huyện Nông Sơn tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hà Lê
Lễ hội Bà Thu Bồn được người dân thôn Trung An (xã Quế Trung, Nông Sơn) tổ chức từ ngày 10 đến 12.2 âm lịch hằng năm. Tương truyền, Bà là một nữ tướng người Chăm, tài sắc vẹn toàn, được vua triều Nguyễn sắc phong “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần”.
Trong một trận thất thủ, Bà men theo hướng tây đến Phường Rạnh (xã Quế Trung) và chọn nơi đây làm căn cứ đóng quân. Bà cho quân lính đào giếng, đào ao, trồng lúa, chăn nuôi; dạy dân làng trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh cho người và con vật nuôi. Trong một lần giao tranh thất bại, Bà đã gieo mình xuống dòng sông Thu Bồn tự vẫn...
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn cho UBND huyện Nông Sơn. Ảnh: Hà Lê
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới vào thế kỷ XV, giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây Quảng Nam.
Lễ hội xuất phát từ chính khát vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Lễ hội là minh chứng cho sợi dây cố kết cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà Nông Sơn là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi trong quá trình hình thành và phát triển Quảng Nam.
“Thời gian đến, huyện Nông Sơn và các ban ngành liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt giá trị truyền thống văn hóa của di sản văn hóa Lễ hội Bà Thu Bồn. Phối hợp Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh để có cơ chế phát huy giá trị di tích, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã có công lưu truyền, thực hành di sản và truyền dạy lại cho con cháu mai sau” - ông Trần Văn Tân nói.
Hà Lê