Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở mỗi vùng quê lại rộn ràng, đầy ắp tiếng cười của người dân khi tham gia các trò chơi dân gian. Đó không chỉ là trò chơi đem lại niềm vui cho mọi người trong những ngày xuân mà còn chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền và giá trị truyền thống dân tộc.
Trò chơi đánh mảng của bà con dân tộc Mường xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành. (Ảnh tư liệu)
Trong kí ức của mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn như chúng tôi, ngoài háo hức mong chờ tết đến không chỉ bởi có quần áo mới, được nhận tiền mừng tuổi, được bố mẹ đưa đi chơi mà vui nhất là qua 3 ngày tết, sau khi đã dành thời gian đi thăm họ hàng, nội ngoại thì từ mùng 4 trở đi cho đến rằm tháng Giêng, mọi người có dịp được vui chơi các trò chơi tại sân kho hay một bãi đất rộng. Các trò chơi không chỉ bà con làng tôi vui chơi với nhau mà còn giao lưu với bà con các làng khác trong hoặc ngoài xã, làm cho không khí ngày xuân thêm rộn ràng.
Tung còn là trò chơi góp phần cũng làm nên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường. (Ảnh tư liệu)
Vào mỗi dịp tết, người Mường quê tôi vui nhất là chơi trò đánh mảng, kéo co, tung còn, đẩy gậy…Bởi vậy, trước đó cả tháng, bà tôi sẽ dành thời gian may những quả còn đủ màu sắc. Bao giờ bà cũng dành cho tôi một quả còn đẹp nhất. Còn trò đánh mảng không biết có từ bao giờ, chỉ biết đến mùa quả mảng, bà con vào rừng hái quả rồi đem về phơi khô dùng. Trò đánh mảng lấy tên từ quả mảng là vậy. Váy áo đẹp được cất kĩ trong rương cũng được bà sửa soạn rồi đem ra phơi phóng để chuẩn bị cho những ngày vui tết.
Vào những ngày giáp tết, thanh niên khỏe mạnh trong làng sẽ vào rừng tìm một cây tre cao độ 10 – 20m để làm cây nêu. Cây nêu được trồng giữa sân kho, trên gần đỉnh cây nêu sẽ treo một vòng tròn nhỏ cũng làm bằng tre, xung quanh dán giấy màu cho nổi bật để chuẩn bị cho trò chơi tung còn.
Những năm trước, từ độ mùng 4 trở đi, không ai bảo ai nhưng sân kho quê tôi đã chật cứng người về vui chơi. Các bà, các mẹ sẽ mặc bộ váy Mường đẹp nhất, đem những quả còn đẹp nhất vừa để khoe quả còn do mình khéo léo làm vừa dùng để chơi. Mỗi khi quả còn tung lên cao, người chơi lẫn người xem chăm chú rồi vỡ òa, tiếng cười rộn vang khi quả còn tung trúng vào vòng tròn.
Kéo co cũng là trò chơi yêu thích của người dân vào mỗi dịp lễ, tết. (Ảnh tư liệu)
Ở một góc sân khác, các bà, các mẹ vui trò đánh mảng. Cánh trẻ con chúng tôi rủ nhau chơi trò ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Đợi bao giờ vãn người chơi tung còn, tôi sẽ rủ chúng bạn cùng lứa, đem quả còn bà tặng ra chơi. Các trò chơi mang đặc trưng của người Mường quê tôi cũng được bà con sắp xếp thời gian chơi hợp lý, kéo dài trong những ngày tết và cho đến ngày rằm tháng Giêng.
Trò chơi nhảy sạp (múa sạp) của đồng bào dân tộc Mường. (Ảnh tư liệu)
Cứ thế, cho đến khi tôi trưởng thành, các trò chơi ấy vẫn được bà con quê tôi duy trì, là món ăn tinh thần mà ai cũng háo hức mong đợi vào dịp tết đến, xuân sang. Bà tôi cũng đã về với tiên tổ từ lâu, những quả còn bây giờ vẫn được mẹ tôi hay các dì khéo léo làm nên. Và các thế hệ người Mường quê tôi vẫn luôn chơi các trò chơi dân gian mang đặc trưng của quê hương, của dân tộc vào mỗi độ tết đến xuân về và duy trì nối tiếp từ đời nay qua đời khác. Xuân này sang xuân sau…
Sau này khi trưởng thành, đi làm rồi, có dịp đến nhiều vùng quê khác. Tôi may mắn được mở mang thêm tầm mắt, được biết đến nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của mỗi vùng quê, mỗi dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh yêu thương. Trò chơi tung còn, kéo co, bắn nỏ… không chỉ là trò chơi tiêu biểu đối với người Mường Thạch Thành quê tôi mà còn đối với người Mường, người Thái của các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Hóa… mỗi dịp tết đến hay dịp lễ hội. Đối với người dân tộc Mông còn có trò chơi ném pao, chơi quay, múa khèn; người Thái còn có trò chơi tó má lẹ, khua luống…Ở vùng đồng bằng, miền biển, người dân các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương, TP Thanh Hóa... còn có trò chơi cờ người, võ, vật, đua thuyền… góp phần làm cho không khí tết càng thêm rộn ràng, mang lại niềm tin mới, cho một mùa xuân mới đầy khí thế trong lao động, sản xuất.
Năm nay, để đảm bảo trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đem lại cái tết bình an, sức khỏe cho mọi người, mọi nhà, quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác không còn rộn ràng các trò chơi như những năm trước. Nhưng tin rằng, khi dịch bệnh qua đi, cùng với sức sống mãnh liệt của các trò chơi dân gian được bao thế hệ người dân ở các vùng quê đang gìn giữ, truyền lại sẽ mãi trường tồn cùng mùa xuân và dân tộc.
Ngọc Huấn