Vùng trung du Phú Thọ có nhiều ngòi, đầm, ao, hồ, nơi có giống ốc nhồi tự nhiên sinh sống. Giống ốc này sống chủ yếu dưới ao đầm nên người dân có thể dễ dàng bắt về để chế biến món ăn. Lâu nay, người dân trung du đã chế biến một món ăn dân dã mà độc đáo, đậm đà dư vị đồng quê từ ốc, đó là món chả ốc nhồi trong vỏ ốc.
Ngoài ốc là nguyên liệu chính, món chả ốc nhồi vỏ ốc còn cần các nguyên liệu khác làm gia vị như: củ sả, củ gừng, lá gừng, nấm hương, mộc nhĩ, các loại rau thơm, hạt tiêu, hạt dổi, ớt.
Ốc nhồi bắt về, ngâm nước qua đêm cho ốc nhả hết bùn đất rồi mới rửa sạch và cho lên luộc. Ốc được luộc sơ qua rồi khêu lấy thịt để chế biến. Phần vỏ ốc giữ lại, rửa sạch. Thịt ốc nhồi được băm nhuyễn cùng với nấm hương, mộc nhĩ, gừng, sả, các loại rau thơm, hạt tiêu, dổi, ớt… để chừng 15 phút cho gia vị và thịt ốc ngấm đều. Lá gừng tươi rửa sạch dùng để cuốn, đỡ miếng chả ốc khi đưa vào vỏ. Thịt ốc và hỗn hợp gia vị sau khi băm xong, người chế biến sẽ nặn thành các miếng chả nhỏ sao cho vừa miệng vỏ ốc rồi dùng lá gừng tươi cuốn đỡ lấy miếng chả nhồi vào vỏ ốc, để chìa ra hai đầu của lá gừng để khi ăn sẽ cầm hai đầu lá mà kéo cả miếng chả ra cho tiện.
Món chả ốc nhồi vỏ ốc độc đáo, đậm đà dư vị đồng quê.
Sau khi nhồi xong, chả ốc được cho lên hấp chừng 15 - 20 phút là chín đều và thơm nức. Chả ốc lúc này là những con ốc nhồi vỏ vàng, bóng mượt nhìn rất hấp dẫn. Chả ốc ăn khi còn nóng là ngon nhất vì như thế chả sẽ giữ được vị thơm.
Chả ốc vì nhồi trong vỏ ốc rồi nên giữ được hương vị vốn có, không bị mất nước. Khi ăn, chỉ cần cầm hai đầu lá gừng kéo miếng chả ra khỏi vỏ ốc là có thể ăn được. Trước khi ăn phần chả, người ăn không quên thưởng thức phần nước trong lòng vỏ ốc vì đó là chút nước tiết ra từ chả ốc nên rất ngọt và đậm vị.
Món chả ốc nhồi vỏ ốc khi ăn có vị thơm, ngọt, giòn từ thịt ốc nhồi băm, hòa vào vị cay cay của các loại gia vị khiến cho món ăn trở nên đậm đà dư vị, lạ miệng và sảng khoái tâm hồn. Đây là món ăn bổ dưỡng, đầy hương vị đồng quê, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.
Nguyễn Thế Lượng