Những tháng đầu xuân đã qua nhưng dư âm về một mùa lễ hội văn hóa, ẩm thực Mường trên địa bàn các xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn ghi dấu trong đời sống đồng bào. Đây là nét đẹp được những người dân vùng núi duy trì, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng và chủ động giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nông sản của địa phương tới các vùng miền...
Hàng chục món ăn của các đội tham gia thi đấu tại Ngày hội sáng tạo văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân năm 2023.
Lễ hội gắn kết cộng đồng
Chia sẻ về nét đẹp trong Ngày hội văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Mường vào các ngày 17 và 18 tháng Giêng hằng năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tiến Xuân Quách Trọng Sử hào hứng nói: "Thông qua ngày hội, các thôn tổ chức thi nấu những món ăn đã lưu truyền từ lâu đời mà chắc chắn nhiều người chưa bao giờ được biết đến, bởi nó chỉ có ở vùng núi, có theo mùa, là sản vật địa phương và do người dân tộc Mường lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ví như món rau rừng đồ, gồm các loại rau rừng, cũng là những vị thuốc tốt cho sức khỏe, được người dân gói vào lá chuối, đồ lên, ăn rất ngon. Hay món bánh ốc, bánh uôi được làm bằng gạo nếp trộn đậu nho nhe...".
Ông Quách Trọng Sử diễn giải thêm: Bánh uôi được làm từ bột nếp và nhân đậu nho nhe. Loại đậu này trông giống hạt đậu đen nhưng nhỏ hơn, màu vàng, chỉ có ở trên rừng, ăn rất bùi, thơm, ngon. Bánh được nặn thành viên, đặt vào lá hó, cách nhau 2 - 3cm, vặn xoắn lá rồi xoay lại, buộc 2 đầu lá gói bánh vào nhau sẽ thành hình chiếc bánh quấn lấy nhau, vì vậy, loại bánh uôi còn có tên gọi khác là bánh tình nhân.
Ngoài ra, ở Tiến Xuân còn có món giò dân tộc. Đây là món ăn đặc sắc của người Mường, thơm, ngọt, ngậy và cách làm cũng rất đặc biệt: Chân giò lợn lọc lấy phần bì có lẫn chút mỡ, trải ra thớt, cho thịt nạc, hành tươi, hành khô, gia vị vừa đủ lên miếng bì, rồi băm. Thịt nạc, lớp mỡ, gia vị đươc băm nhuyễn, quyện vào nhau, nhưng miếng bì ở phía dưới không bị băm rách. Sau đó, người ta cuộn miếng bì với thịt lại, gói bằng lá chuối, buộc lạt giang, tạo thành quả giò, luộc trong hơn 2 giờ thì vớt ra, lấy 2 thanh tre ép vào quả giò để tạo hình, để qua đêm, hôm sau mới ăn được. Đáng nói, kỹ thuật băm, nêm gia vị và ép giò là “điểm cộng” của món ăn, bởi băm mạnh tay, bì bị rách, không cuộn thành giò được; nêm gia vị trực tiếp lên thịt sống phải khéo để không bị mặn hay nhạt quá; ép giò chặt quá, giò sẽ bị khô, mất đi nước ngọt của thịt; ép lỏng tay, giò sẽ bị nhão...
Trong ngày hội văn hóa ẩm thực đầu xuân, mỗi thôn của xã Tiến Xuân có một gian hàng trưng bày từ 30 đến hơn 70 món ăn, do người dân trong thôn cùng nhau làm. Chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân, cho biết thêm: Các đơn vị tổ chức gian hàng, trưng bày sản phẩm đặc trưng, nông sản, ẩm thực, trang phục dân tộc, thi hát, múa, đồng diễn cồng chiêng...; thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn. Đặc biệt là chương trình văn nghệ, ngoài lời ca tiếng hát, múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc thì còn có màn đồng diễn cồng chiêng và vũ điệu đoàn kết do hơn 100 người cùng tham gia biểu diễn.
Màn đặc sắc nhất của ngày hội văn hóa ẩm thực Tiến Xuân là thi trang phục nữ dân tộc Mường. Đây là dịp hội tụ của những “bông hoa” Mường xinh đẹp, duyên dáng ở 7 thôn trên địa bàn xã. Trang phục nữ dân tộc Mường có sự độc đáo riêng: Áo được may bó sát thân, mặc vừa chớm eo để khoe vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ; cổ áo tròn, tay liền với thân, váy được may theo kiểu váy ống gồm thân váy và cạp váy. Cạp váy chính là biểu tượng đẹp nhất, với nhiều họa tiết, hoa văn trang trí, là điểm nhấn thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của người thêu dệt. Phần trên cạp gọi là ram, có các họa tiết hình long, phượng và có ảnh hưởng của văn hóa trống đồng Đông Sơn... Phần kết hợp không thể thiếu với bộ váy, áo là khăn trắng đội đầu, vòng bạc đeo cổ, đeo tay và bộ xà tích bằng bạc. Những cô gái Mường khoác trên mình bộ trang phục truyền thống như những bông hoa tươi thắm khoe sắc giữa núi rừng Tiến Xuân.
Trong khi đó, tại hội xuân đầu năm của xã Yên Trung, nhiều trò chơi dân gian, hiện đại kết hợp thành một cuộc thi, thu hút hàng trăm người ở các thôn tham gia. Là người có “thâm niên” hơn chục năm tham gia trò chơi ném còn, chị Bùi Thị Chín (thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung) hào hứng nói: "Từ năm 2009 đến nay, tôi đều được thôn lựa chọn vào đội thi ném còn. Mỗi thôn đăng ký 1 đội tham gia thi đấu gồm 5 cặp đôi vận động viên (5 nam, 5 nữ), mặc trang phục dân tộc Mường. Trái còn do các cặp đôi tự làm bằng mảnh vải may thành túi vuông, cho gạo vào bên trong, khâu kín, 4 góc túi khâu tròn, khéo đính thêm tua rua vải với nhiều màu sắc, rất đẹp mắt. Mỗi trái còn nặng khoảng 2,2 lạng là vừa tay và ném dễ nhất".
Đội thi bắn nỏ của xã Yên Trung có nhiều thiện xạ, từng tham gia giải đấu cấp huyện, thành phố, toàn quốc và đạt thành tích cao. Chị Hoàng Thị Nguyên (thôn Luồng Lặt, xã Yên Trung) chia sẻ: “Thân nỏ được làm từ gỗ, cánh nỏ làm bằng thân cây luồng, dây cung được bện từ sợi gai, mũi tên vót từ thân cây vầu. Đây là những vật liệu rất dễ tìm ở vùng núi. Những người tham gia thi bắn nỏ luyện tập quanh năm, khi có thời gian rảnh. Khi thi đấu, các vận động viên phải mặc trang phục dân tộc Mường. Từ năm 2009 đến nay, tôi cùng nhiều vận động viên của xã tham gia thi bắn nỏ và từng giành được giải nhất, nhì, ba cấp huyện, thành phố và toàn quốc. Riêng tôi đã giành được 14 huy chương các loại, trong đó có 2 huy chương bạc và đồng tại hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc”.
Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch, xã có hơn 80% là người dân tộc Mường, vì vậy để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, dịp đầu tháng Giêng hằng năm, xã tổ chức hội xuân với các môn thi đấu như bóng chuyền da nam, nữ; bóng chuyền hơi nam, nữ; bắn nỏ, ném còn, kéo co... kết hợp với hoạt động văn hóa văn nghệ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhìn chung, các hoạt động trong hội xuân đầu năm của xã bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tiến Xuân, ông Quách Trọng Sử khẳng định: “Ngày hội văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Mường xã Tiến Xuân đã được đưa vào nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân xã, ấn định thời gian tổ chức vào các ngày 17 và 18 tháng Giêng hằng năm nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc. Không ai được phép lợi dụng lễ hội để làm những việc trái pháp luật".
Chia sẻ về lễ hội xuân ở 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn cho biết, các lễ hội có thời gian tổ chức từ 1 - 2 ngày, quy mô nhỏ, theo phong tục tập quán và truyền thống của địa phương. Tại hội xuân, các xã tổ chức giải thi đấu thể dục thể thao với những trò chơi dân gian và các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng chuyền hơi, kéo co, ném còn, bắn nỏ; thi văn nghệ, trang phục dân tộc, biểu diễn cồng chiêng..., tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, bổ ích còn giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Thời gian tới, huyện khuyến khích các xã miền núi khôi phục, duy trì và phát huy phong tục, tập quán lành mạnh, tốt đẹp trong lễ hội đầu năm nhằm bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của toàn huyện.
Bài và ảnh: Ánh Dương