Lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được móng cột tại Chính điện Kính Thiên với kích thước lớn nhất từ trước tới nay. Mỗi trụ móng cột có kích thước khoảng 2,3m, dày tới 2,1m. Kết quả này tạo thêm cơ sở khoa học để phục dựng Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.
Các nhà khoa học trao đổi về khảo cổ Hoàng thành Thăng Long năm 2023.
Ngày 21/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2023 và Kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long”.
Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tổng diện tích hơn 1.000m2 tại 3 vị trí: Cục Tác chiến, nền Điện Kính Thiên và Hậu Lâu. Trong đó, các nhà khoa học đã phát hiện những dấu tích khảo cổ có tính đột phá trong nghiên cứu về Điện Kính Thiên nói riêng, về Hoàng thành Thăng Long nói chung.
Cụ thể, tại nền Điện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm thấy địa tầng văn hóa trải dài qua hàng nghìn năm, sớm nhất là thời kỳ Đại La, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến Nguyễn.
Đáng chú ý nhất là đã tìm thấy 12 móng cột thời Lê Trung hưng. Trong đó, 8 móng đơn có kích thước rất lớn, bề mặt 2,3mx2,4m, bề mặt đầm sỏi, dày tới 2,1m, được làm từ 31 lớp đầm gồm nhiều lớp gạch và đất đầm chặt.
Bốn móng kép cũng có kích thước rất lớn.
Từ hệ thống móng này, các nhà khoa học xác định bước đầu vì kèo kiến trúc gồm 6 cột, trong đó lòng nhà có 4 cột, lòng nhà khoảng 6,8m, các gian kích thước khoảng 5,58m, hiên rộng khoảng 3,4m.
Cũng tại nền Điện Kính Thiên, các nhà khoa học phát hiện móng nền, móng cột thời Lê sơ không đồng nhất với thời Lê Trung hưng và có kích thước nhỏ hơn.
Ngoài ra, trong đợt khai quật này, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều dấu tích quan trọng về Hoàng thành Thăng Long xưa tại khu vực phía nam Điện Kính Thiên (khu vực Nhà Tác chiến hiện nay). Cụ thể như, đã xác định rõ hơn đường ngự đạo (chiều rộng 6,8m), sân Đan Trì… Khu vực phía tây bắc Điện Kính Thiên (gần Hậu Lâu) cũng phát hiện hàng loạt dấu tích kiến trúc, di vật… kéo dài từ thời Trần đến Lê Trung hưng. Trong đó, tìm thấy những móng cột khá lớn, kết hợp với kết quả nghiên cứu trước đó thì đây có thể là một toà kiến trúc lớn, 5 gian, 2 chái với kích thước mỗi gian là 4,2m.
Kết quả khai quật khảo cổ năm 2023 đã nối tiếp những thành công của công tác nghiên cứu từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, 13 năm qua Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2.
Hiện nay, cấu trúc không gian của khu vực Chính điện Kính Thiên đã làm rõ được nhiều yếu tố như: Chính điện, hành lang, cổng, sân, tường bao, ngự đạo, quy mô sân thiết triều... và mới đây nhất là bước đầu xác định quy mô Điện Kính Thiên qua phát hiện về những móng cột.
Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc làm gia tăng giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên và không gian Điện Kính Thiên.
Giang Nam