Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.
Huế, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa phong phú
Khi nhận xét về vị thế của Huế đối với đất nước, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Huế vừa là một vùng đa văn hóa trong phân vùng của đất nước, vừa là một trung tâm văn hóa mang tính hội tụ và lắng đọng của một đế đô theo chiều sâu lịch sử và chiều rộng của không gian lãnh thổ quốc gia”.
Với lịch sử lâu đời, đặc biệt hơn 700 năm hình thành và phát triển, vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến văn hóa lâu đời từ phương Bắc di cư vào, bên cạnh đó tiếp thu một số yếu tố phương Nam bản địa, văn hóa Champa để tạo nên một bản sắc văn hóa riêng - Văn hóa Huế.
Cuốn sách được chia thành 2 phần: Di sản văn hóa thời Nguyễn; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn.
Ở phần thứ nhất, các bài tham luận tập trung vào các vấn đề như: Văn hóa Huế, di sản văn hóa Hán Nôm, hệ thống phủ đệ, tiền tệ, Tuồng Huế, mỹ thuật, lễ hội, kiến trúc…
Theo TS. Phan Tiến Dũng, văn hóa Huế do sự chung tay của cả nước để tạo dựng, những hoạt động về chính trị, kinh tế, xã hội đã song hành với sáng tạo về văn hóa nghệ thuật. Mặc dù đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều sự thay đổi chế độ chính trị nhưng với sự đồng lòng cùng giữ gìn, phát huy các giá trị về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… vẫn còn được hiện diện và luôn tỏa sáng.
Kế thừa truyền thống từ các triều đại trước trong lịch sử Việt Nam và trên cơ sở tham khảo điển chế của các triều đại quân chủ Trung Quốc, các vua Triều Nguyễn đã xây dựng các công trình quy mô để thờ cúng Trời Đất, các vị thần linh và tổ tiên, dòng họ một cách hoàn chỉnh và quy mô nhất trong lịch sử các triều đại quân chủ ở Việt Nam.
TS. Huỳnh Thị Anh Vân nhận xét, nghi lễ cung đình nhìn từ các lễ triều hội và tế tự dưới Triều Nguyễn cho thấy hai mặt của vấn đề: Lễ triều hội thường mang sắc thái vui vẻ, tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, phần lớn đều là dịp quy tụ những hình thức vui chơi giải trí mang tính dân gian nhiều hơn là cung đình, còn nghi lễ tế tự lại được tổ chức ở những địa điểm cụ thể với những điển chế nghiêm ngặt, quy tụ những hình thức biểu thị sự phân biệt đẳng cấp chốn cung đình, đặc biệt thể hiện tính quyền lực và tính chính thống thông qua việc chú trọng vai trò của người chủ tế.
Ở phần thứ hai, các bài viết đã tập trung vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn.
PGS.TS. Đỗ Bang khi nghiên cứu chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa Huế - Nhìn từ gia đình, dòng họ” nhận xét: Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đất Kinh đô, trong đó có vai trò quan trọng của nền giáo dục gia đình. Gia đình Huế là một ẩn chứa của văn hóa dân tộc mang đậm nét văn hóa Kinh đô thời Nguyễn rất đặc sắc... Xã hội hiện đại hướng đến sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, giữa lợi ích vật chất và việc bảo vệ sự phát triển bền vững môi sinh, môi trường… Vì thế giáo dục trong gia đình và dòng họ còn phải đáp ứng nguyên lý hài hòa cá nhân và cộng đồng, lợi ích trước mắt và sự phát triển bền vững, tư cách người con tốt hài hòa với tư cách người công dân tốt.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng trong tham luận “Bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế và dân ca trong đời sống đương đại”, có ý kiến: Việc bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung và âm nhạc thuyền thống nói riêng là một việc làm cấp bách và thiết thực trong thời hiện đại. Khi mà các trào lưu âm nhạc mới ở cả trong nước và thế giới đang tràn ngập và thu hút đông đảo giới trẻ. Vì vậy, chúng ta phải có một chiến lược mạnh mẽ và đồng bộ để khôi phục lại các giá trị nghệ thuật truyền thống đặc biệt là với giới trẻ.
Bài, ảnh: Nguyễn Anh Tuấn