Đền thờ các vua Trần thuộc thôn Tam Đường, Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình, vùng đất xưa gọi là Thái Đường. Nơi đây là đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ và các vua, hoàng hậu, công chúa nhà Trần.
Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông hung hãn bậc nhất thời đó . Trong cả ba cuộc kháng chiến đó, sau thành Thăng Long, mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiền đều là nơi nhà Trần chọn làm hậu cứ để xuất nhập thần kỳ.
Mảnh đất Tam Đường linh thiêng hiện lưu giữ hài cốt của các bậc tổ tiên triều Trần như Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa... Đó còn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các vị tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn... Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng.
Trên diện tích 5.175 m2, đền thờ các vua Trần được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà Hậu cung, tòa Đệ nhị, Bái đường, tả vu, hữu vu, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, kế thừa và phát huy kiến trúc đình làng, chia thành các không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh…Riêng toà Hậu cung Đền Trần có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359 m2, tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.
Tại Toà Hậu Cung, chính cung thờ linh vị cụ Trần Kinh (Truy tôn Mục tổ Hoàng đế), linh vị cụ Trần Hấp (Truy tôn Linh tổ Hoàng đế), linh vị Nguyên Tổ Trần Lý (Truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế) cùng Thánh Tượng Thái Tổ Trần Thừa (Truy tôn Thái tổ Hoàng đế). Bên phải thờ Thánh Tượng Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ. Bên trái thờ Thánh Tượng Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung
Tại Toà Đệ Nhị, chính giữa là ban thờ Thánh tượng vua Trần Thái Tông (Miếu hiệu của Trần Cảnh 1218 - 1277). Ông là đời vua đầu tiên của triều Trần, là con trưởng của Trần Thừa, được Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi năm Ất Dậu (1225), năm Mậu Tý (1258) nhường ngôi làm Thái Thượng Hoàng. Đến năm 1277 ngày 1 tháng 4 (âm lịch), ông băng hà thọ 60 tuổi mộ táng ở Chiêu Lăng - Thái Đường.
Bên trái thờ Thánh tượng vua Trần Thánh Tông (Miếu hiệu của Trần Hoảng 1240 - 1296). Ông là đời vua thứ hai Triều Trần, là con trưởng Vua Thái Tông. Năm 1258 được vua cha nhường ngôi làm vua 21 năm. Năm Giáp Thân (1284) nhường ngôi cho Nhân Tông làm Thượng Hoàng, băng hà vào ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290) thọ 51 tuổi. Mộ táng ở Dụ Lăng - Thái Đường.
Bên phải thờ Thánh tượng vua Trần Nhân Tông (Miếu hiệu của Trần Khâm 1258 - 1308). Ông là đời vua thứ ba của triều Trần, là con trưởng vua Thánh Tông. Năm 1293 (Kỷ Tỵ) nhường ngôi cho con là Anh Tông làm Thượng Hoàng và xuất gia. Năm Mậu Thân (1308) ngày 3 tháng 11 (âm lịch), ông băng hà ở Am Ngoạ Vân Yên Tử (Đông Triều Quảng Ninh) thọ 51 tuổi. Thi hài được hoả táng theo phép nhà Phật.
Tòa Bái Đường: thờ Ngai và Bài Vị của hội đồng các quan, tả thờ Văn Quan, Hữu thờ Võ Tướng triều Trần.
Ngoài ra trong quần thể thờ các vua Trần còn có Đền thánh thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, đền thờ Mẫu,… hiện nay quần thể di tích đang được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện với tổng diện tích trên 22ha. Khu di tích đền Trần được Bộ Văn hóa – Thông tin thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích khảo cổ học và di tích lịch sử Quốc gia năm 1990.
Đường đến Khu di tích đền Trần:
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 1A về phía nam đến thị trấn Đồng Văn, sau đó rẽ sang quốc lộ 38 đi về phía tỉnh Hưng Yên, qua cầu Yên Lệnh đi theo quốc lộ 39 khoảng 19km đến Dương Xá rồi rẽ phải theo quốc lộ 226 khoảng 3km, du khách sẽ đến với Khu di tích đền Trần.
Phạm Phương biên tập