Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá
Cập nhật: 16/03/2010
Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây được coi là nơi phát tích ra nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, theo quốc lộ 32 khoảng 20km về phía tây, du khách sẽ tới làng nghề Lai Xá.

Ngôi làng này có 5 xóm nhỏ và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1km, Phố Lai là con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng (6 hiệu ảnh và 1 lab). Theo thống kê, số lao động trong thôn làm nghề chụp ảnh chiếm tới 40%.

Theo sử sách ghi lại, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865), cụ Đặng Huy Trứ (quê làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh quốc đưa sang, đang được nhiều người ưa chuộng. Do rất thích thú với kỹ thuật nhiếp ảnh này, trong lần đi sứ tiếp theo (1867), cụ đã thuê một người Hoa mua sắm giúp dụng cụ, máy móc để học nhiếp ảnh.

Về nước năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Tuy nhiên, do chiến tranh, hiệu ảnh đã phải đóng cửa.

Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).

Trong khi hành nghề ảnh, cụ Khánh còn tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, cụ Khánh đã trốn sang Pháp. Năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, Raymond Poincaré đã đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống lúc đăng quang có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó, một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.

Vào những năm 1916  - 1917, khi cụ Khánh Ký đang làm nghề ảnh tại Paris thì cũng là lúc cụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động Cách mạng tại đây. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923) (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002), thời gian đầu sang Pháp, Bác được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh... trợ giúp về tài chính, nơi ở và cụ Khánh Ký đã truyền dạy cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động Cách mạng.

Những năm tiếp theo, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt ở Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi về nước, cụ Khánh đã mở thêm hiệu ảnh ở một số nơi khác: Sài Gòn, Hải Phòng...

Không chỉ phát triển nghề nhiếp ảnh cho riêng mình, vào thời điểm này, cụ Khánh còn về quê truyền dạy nghề cho người dân làng Lai Xá. Do nắm bắt bí quyết nghề và biết sở hữu kỹ thuật chụp ảnh điêu luyện, các tay máy làng Lai Xá có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác.

Vào những năm giữa thế kỷ 20, người làng Lai Xá đã thực sự vững vàng trong nghề nhiếp ảnh. Họ đã thành lập rất nhiều hiệu ảnh, không chỉ ở trong nước như: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Lào Cai,… mà còn sang cả nước ngoài: Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Pháp, Đức... Theo số liệu thống kê, ở Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh, trong đó hiệu ảnh do người Lai Xá làm chủ chiếm 33 hiệu với những tên tuổi nổi tiếng như: Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Central, Aubella, Duy Tân..., ở Sài Gòn có khoảng 34 hiệu, trong đó có khoảng 27 hiệu là của người làng Lai Xá, nổi tiếng nhất là hiệu ảnh Thịnh Ký. Ở Hải Phòng 16 cửa hiệu, các tỉnh khác: Quảng Ninh, Nam Định…, mỗi nơi khoảng 4 hoặc 5 cửa hiệu. Đặc điểm chung của các hiệu ảnh này: lớn nhất, vị trí đẹp nhất và thường là đông khách nhất.

Như vậy, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam, còn cụ Khánh là người phát triển nghề này. Với công lao chuyển một nghề ngoại nhập thành nghề truyền thống, cụ Khánh không những được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề mà còn là một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, bao gồm: Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.

Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, người dân Lai Xá hàng ngày vẫn bảo tồn và phát triển nghề. Từ giữa năm 2002, Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh với mục đích trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh, đồng thời bảo tồn và phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh của làng.

Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ đã có hàng ngàn bức ảnh đẹp, trong đó có trên 10 bức ảnh đặc sắc của các tác giả: Nguyễn Đình Căn, Nguyễn Minh Nhật... Với tài phát hiện sự vật, thiên nhiên, con người và cách thể hiện tinh tế bằng nghệ thuật nhiếp ảnh, các bức ảnh này đã được trao giải cao trong cuộc thi ảnh chào mừng Seagames 22 được tổ chức tại Việt Nam, triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “ Nhịp sống đất và người Hà Tây"... Không những thế, hàng năm Câu lạc bộ còn mở các lớp dạy chụp ảnh, nhất là chụp ảnh nghệ thuật; tổ chức các đợt đi giao lưu sáng tác tại nhiều danh lam thắng cảnh trong cả nước.

Tháng 2/2008, làng Lai Xá đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên: "Từ làng đến phố - Ảnh ký của người Lai Xá" tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Đây là cách kể chuyện rất riêng của dân làng Lai Xá vì muốn cho công chúng biết rằng, người Lai Xá đã biết gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp thu những cái mới để tiếp tục phát triển nghề này như thế nào.

Năm 2010, nhân dịp thành phố Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, 118 năm người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh (tính từ thời điểm cụ Nguyễn Đình Khánh), Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh sẽ tổ chức một triển lãm ảnh với trên 100 bức ảnh giới thiệu về đất và người Hà Nội.

Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch, người dân Lai Xá lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và suy tôn ông tổ làng nghề Nguyễn Đình Khánh.

Một số tác phẩm:

                            Đi chợ Lũng Phìn (Hà Giang)

                                     Lễ hội làng Lai Xá





                                                                                      Thanh Hải biên tập

TITC