Phố cổ Hà Nội qua con mắt của du khách nước ngoài
Cập nhật: 23/07/2010
Hà Nội đã trải qua 1000 năm lịch sử với bao biến cố, thăng trầm, đổi thay. Muốn tìm một chút xưa của Hà Nội, du khách hãy dạo qua khu phố cổ để được thả hồn mình trầm lắng trong những tinh hoa của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đó cũng chính là ấn tượng đặc biệt của du khách nước ngoài khi đến với Hà Nội. 

     

Nhiều người nước ngoài lần đầu tiên đặt chân đến đây cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn lo lắng sợ hãi khi lạc vào những dãy phố mang những cái tên na ná, nằm ngang dọc, lộn xộn với hàng chục cửa hàng bán những sản phẩm cùng chủng loại, những hàng ăn hai bên đường tấp nập kẻ vào người ra hay hòa vào dòng người và xe cộ đi lại như mắc cửi. Nhưng cảm giác ấy dần dần qua đi, thay vào đó là sự yêu mến da diết khi họ nhận ra cuộc sống của con người Hà Nội đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình.

 

Chantrelle Nielson, cô bạn người Mỹ đã sống gần một năm ở Hà Nội trong khu phố cổ kể: lúc đầu cô thấy sợ khi đi bộ ở phố cổ vì không thể đi trên vỉa hè và cảm thấy như mình sắp bị xe xô phải - Chantrelle nói – “Nhưng khi đã tìm được một chỗ "đậu", bạn có thể ở đó cả ngày chỉ để ngắm nhìn mọi hoạt động diễn ra. Điều thích thú nhất trên phố cổ là ngồi ở những nhà hàng hay quán cà phê trên tầng hai hoặc ba mà ngắm nhìn dòng người, xe cộ, những ngôi nhà có mái hiên với những chú chim hót trong lồng và sinh hoạt của những gia đình quanh đó - đó là nơi sống động nhất tôi đã từng đến".

 

     

 

Carol Payne, một sinh viên người Mỹ sang Việt Nam du lịch, cho biết cảm giác khi lạc trong khu phố cổ: “Chính những lúc đó tôi mới cảm thấy mình trải nghiệm sự bất tận của Hà Nội. Có một sự dồi dào của từng chi tiết, cả kiến trúc lẫn cuộc sống con người, những ngôi chùa, người bán hàng rong, những ngõ nhỏ, chợ ven đường và cả những quán cà phê nữa" - Carol hào hứng nói. Phố cổ đối với Carol thật đặc biệt. Nó giống như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ với những khu vực nơi mà các thương nhân và thợ thủ công cùng kinh doanh một mặt hàng - thứ mà cô không thể thấy trên nước Mỹ. Bên cạnh những tòa nhà mang kiến trúc cổ của Pháp hay những tòa nhà thương mại cao tầng ta có thể đột nhiên bắt gặp một mái đình, một ngôi chùa nằm khuất sâu trong ngõ phố nhỏ. Đó là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam.

 

David Lowe, chuyên gia hiệu đính bản tin tiếng Anh 36 tuổi tới từ Liverpool, nói: “Phố cổ mang tới cho Hà Nội nhiều nét tính cách, nhiều nét quyến rũ khiến nó trở nên sống động và gợi nhắc tâm trí mỗi người rằng họ đang sống trong một thành phố năng động thật sự, nơi người dân hối hả vì cuộc sống hằng ngày, rồi âm thanh, mùi vị và những gì mắt ta nhìn thấy tất cả đều sinh động lạ thường".

 

Người nước ngoài đến Hà Nội như bị cuốn vào một xứ sở bất tận của các món ăn, từ món ăn truyền thống của Việt Nam như bún chả, phở, cháo cá, bún cá… trong các quán nhỏ trên vỉa hè đến các gánh hàng rong bán trứng vịt lộn, bánh rán, bún ốc, bún đậu mắm tôm, miến cua trộn. Để phục vụ du khách nước ngoài, các nhà hàng sang trọng dần dần mọc lên với đủ loại món ăn du nhập từ nước ngoài như bánh mì nướng kiểu Pháp, mì ống và pizza của Ý, sushi của Nhật Bản, cà ri gà xanh hay lẩu Thái, thịt bò bít tết kiểu Pháp hay kim chi Hàn Quốc.

 

      

 

Điều hấp dẫn nhất ở Hà Nội đối với du khách nước ngoài, theo David, là con người ở đây. Nếu không có họ, bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng chỉ là những con phố, những tòa nhà vô tri vô giác. “Tôi thật sự rất thích ở Hà Nội, nó sôi nổi, ồn ào, náo nhiệt, quyến rũ, mỗi cảnh vật, mỗi con người bạn gặp hằng ngày… Tôi ở đây vì cảm thấy mình được chào đón". Còn đối với Chantrelle, điều tuyệt vời nhất lưu trong tâm trí cô về thành phố này là được ngắm nhìn mọi sinh hoạt diễn ra trên đường phố và được thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn Hà Nội. Đối với cô, tất cả như toát lên nguồn sinh lực, nguồn năng lượng của một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, nơi mà người dân ai ai cũng hối hả, thậm chí phải vật lộn để mưu sinh nhưng cũng đang từng bước giàu có hơn, sung túc hơn.

 

                                                                              Phạm Phương tổng hợp

Trung tâm Thông tin Du lịch