Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là kinh đô của Việt Nam thời Lý, Trần, Lê chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Di tích lịch sử và khảo cổ này được Thủ tướng ký quyết định xếp hạng 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/8/2009 và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 8/2010.
Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nhân dịp kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trải qua một nghìn năm lịch sử, kinh đô Thăng Long đồ sộ với những lầu son gác tía không còn nữa song những di tích và di vật hiện vẫn còn tồn tại đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự hình thành và phát triển của mảnh đất rồng bay qua 10 thế kỷ.
Với diện tích khoảng 25ha, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thuộc địa bàn phường Điện Biên và phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Kinh thành Thăng Long xưa có ba vòng (tam trùng thành quách). Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Cửa duy nhất của Tử Cấm thành là Đoan Môn. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thời Lý, Trần, Lê, Hoàng thành có 4 cửa là Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam và Diệu Đức ở phía bắc. Thời Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Huế, vua Gia Long đã cho phá bỏ tường của Hoàng thành Thăng Long cũ vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc Thành và cho xây thành mới lấy tên là Thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn nhiều. Thành mở ra 5 cửa là: cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc, cửa Tây Nam và cửa Đông Nam, đến nay chỉ còn lại một cửa Bắc (Bắc Môn), hiện thuộc địa phận phố Phan Đình Phùng. Vòng thành ngoài cùng gọi là Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, có tác dụng như một con đê ngăn nước. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Thời Lê, Kinh thành Thăng Long có 16 cửa ô, đến thời Nguyễn có 12 cửa ô. Đầu thế kỷ 20 vẫn còn năm cửa ô là: ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy và ô Quan Chưởng. Đến nay chỉ còn lại cửa ô Quan Chưởng (tên cũ là Đông Hà Môn, nghĩa là cửa sông phía đông).
Đoan Môn là cửa duy nhất của Tử Cấm Thành, quay về hướng nam vì hướng nam là hướng quan trọng nhất trong các công trình kiến trúc cổ truyền xưa của người Việt. Vào thời Nguyễn, Đoan Môn được trùng tu và cho xây dựng thêm hai cửa ở hai bên làm lối đi lại cho dân chúng. Năm 1998, di tích Đoan Môn đã được bộ Quốc Phòng bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội với tổng diện tích quản lý là 3681,5m². Công trình được mở cửa đón khách tham quan từ tháng 10/ 2001.
Bắc Môn là cổng duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn, nằm trên đường Phan Đình Phùng. Trên mặt tường phía ngoài cửa Bắc Môn có 1 tấm biển đá khắc ngày 25/04/1882 với 2 vết lõm ngay cạnh, là dấu tích hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng khi Pháp phá thành. Hai cánh cổng bằng gỗ của Bắc Môn nay đã được trùng tu, diện tích mỗi cánh 12m², trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe bằng đồng nặng chừng 80kg. Trên cổng thành là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những anh hùng đã tỏ rõ khí tiết kiên trung của mình trước thế lực xâm lăng của thực dân Pháp trong 2 lần đánh phá thành Hà Nội.
Nhà con Rồng được thực dân Pháp xây dựng năm 1886 trên nền điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên chiếm vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nằm trên núi Long Đỗ (rốn rồng), được coi là huyệt đạo của Kinh thành Thăng Long xưa. Năm 1010, Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long đã chọn đỉnh núi này để xây dựng chính điện của kinh đô mang tên Càn Nguyên, là nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình. Năm 1029, vua Lý Thái Tông cho xây dựng trên nền cũ của điện Càn Nguyên tòa chính điện mang tên Thiên An, đến thời Lê được đổi thành điện Kính Thiên. Thời nhà Nguyễn, khi kinh đô được chuyển vào Huế, điện Kính Thiên được đổi thành hành cung Kính Thiên nơi đón các vua quan nhà Nguyễn tuần du ra Bắc. Năm 1886, thực dân Pháp đã phá hành cung Kính Thiên để xây dựng nhà con rồng gồm 2 tầng 7 phòng làm sở chỉ huy pháo binh Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng Thủ đô, nhà con rồng trở thành tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Rồng đá điện Kính Thiên là dấu tích còn lại duy nhất của điện Kính Thiên, bao gồm 4 con rồng được tạc vào giữa thế kỉ 15, chia thềm điện thành ba lối lên. Bốn con rồng này tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ, được chạm trổ bằng đá xanh, đầu rồng nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau, miệng há nhỏ, ngậm hạt ngọc. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Rồng đá điện Kính Thiên đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.
Hậu Lâu (còn gọi là Lầu Tĩnh Bắc) là một toà lầu xây phía sau hành cung điện Kính Thiên, hiện nằm trên đường Hoàng Diệu. Tuy ở sau hành cung, nhưng lầu lại được xây ở phía bắc với ý đồ phong thuỷ, giữ yên bình cho phía bắc hành cung, nên được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau). Lầu còn được gọi là lầu Công chúa do đây là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành. Hậu Lâu đã bị phá hủy vào năm 1870, sau đó được người Pháp dựng lại với kiến trúc mang đậm phong cách thế kỉ 18 để làm nơi đóng quân của quân đội Pháp. Hiện nay Hậu Lâu đang được sử dụng để trưng bày một số hiện vật tìm thấy trong cuộc khai quật khu vực xung quanh vào 10/1998 và cũng là nơi trưng bày giới thiệu một số hình ảnh về Hà Nội qua một số thời kì lịch sử.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu nằm cách điện Kính Thiên 87m, là nơi xuất hiện dày đặc các dấu tích cung điện thời Lý, Trần, Lê. Khu di tích này có tầng dưới cùng là một phần phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường; tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần; tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm Thành Hà Nội thế kỷ 19. Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều những dấu tích kiến trúc quan trọng cùng một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
Cột cờ Hà Nội (còn được gọi là Kỳ đài Hà Nội) nằm ở phố Điện Biên Phủ, là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với Thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế, thân cột và đỉnh. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Thân cột hình khối lục lăng, có cầu thang xoáy ốc bên trong dẫn lên tới đỉnh. Đỉnh cột cờ hình khối bát giác có trụ để cắm cờ. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), cột cờ Hà Nội được treo cờ đỏ sao vàng và đón các du khách đến tham quan.
Thúy Hằng - Phạm Phương biên tập