Về thăm làng cổ Đường Lâm
Cập nhật: 28/10/2010
Tạm rời xa phố thị ồn ào, náo nhiệt, dọc theo quốc lộ 32 về Sơn Tây, du khách sẽ đến với một ngôi làng cổ của người Việt – nơi còn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống của nhân dân ta từ bao đời nay. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng bức tranh cuộc sống yên bình và cùng phiêu du về miền quá khứ xa xăm qua những cảnh vật hiếm có ở mảnh đất Hà thành.
                          Cổng làng Đường Lâm

Cách trung tâm Hà Nội 50 km về hướng tây, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Gọi Đường Lâm là làng cổ là cách nói về một điểm đến du lịch; về hành chính, đó là một xã gồm 9 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Xã Đường Lâm nằm trong vùng chân núi Ba Vì, gần các con sông: sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Đáy. Khu vực Đường Lâm ngày nay vẫn mang cảnh quan của vùng trung du, vùng bán sơn địa, làng xóm tụ cư bố trí quanh đồi gò ven sông. Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Nơi đây như một “Bảo tàng sống” lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm: từ đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía... Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ với đường nét kiến trúc từ thế kỷ 17 - 18 cùng phong tục tập quán tín ngưỡng, lễ hội được gìn giữ bất biến qua nhiều đời.  

Men theo con đường làng quanh co, uốn lượn, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình… cùng với những ngôi nhà cổ. Phía xa là núi Ba Vì và những cánh đồng trải dài tít tắp tới tận chân trời. Dấu ấn của một thời quá khứ xa xưa với những trang sử hào hùng hiện về, trở thành những giá trị lịch sử trường tồn của đất nước.  

Đường Lâm là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh... Chính vì vậy, Đường Lâm còn được gọi là “đất hai vua” - Ngô Quyền và Phùng Hưng. Đó chính là niềm tự hào của người dân Đường Lâm từ bao đời nay.

                                   Tường đá ong

Đường Lâm được coi là ngôi làng cổ đặc trưng cho làng quê vùng trung du Bắc Bộ bởi kiến trúc độc đáo nơi đây. Từ nhà ở đến cổng ngõ, cổng làng, giếng nước, tất cả đều sử dụng đá ong đã tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng đặc sắc. Các chi tiết làm nên" linh hồn" của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên. Cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Nét riêng nhất chính là kiến trúc làng: những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau, người làng đi đường nào cũng về đến nhà.    

Trọng tâm của quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm là thôn Mông Phụ, nơi có cổng làng cổ xưa nhất. Cổng làng được xây dựng từ năm 1833, phía trên tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là thời nào cũng có người tài. Điểm đặc biệt của cổng làng là nó không có gác ở trên mái và những vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Bước chân qua cổng làng, chúng ta có cảm giác như được trở về với làng quê êm ả, bình yên, trở về với những câu hát, lời ru của bà, của mẹ.  

                              Đình làng Mông Phụ

Ở làng Mông Phụ còn có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) - là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Giai thoại kể rằng: Đình Mông Phụ đặt trên đầu một con rồng mà giếng làng chảy tràn toả ra hai bên là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào, từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình. Từ xa nhìn lại, trong mưa, hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo, thể hiện ý tưởng sinh tài lộc theo triết lý “tụ thủy sinh tài” của người xưa... Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thi lợn thờ, thi gà thờ...  

Trước cửa đình là một cái sân rộng, thường là nơi diễn ra các trò chơi khi làng tổ chức lễ hội. Khoảng sân này còn có đặc điểm như một giao lộ trung tâm, từ đó tỏa ra các lối đi dẫn đến các xóm; ngược lại, mọi ngõ ngách trong làng đều tụ về sân đình như một quảng trường trung tâm.  

Về Đường Lâm, du khách còn có dịp đến thăm đền thờ Ngô Quyền nằm trên làng Cam Lâm. Với tổng diện tích cả khuôn viên tới gần 5000m², đền được cất trên một quả đồi hướng về một chiếc hồ lớn theo thế “nghênh phong, chiếu thủy”. Tương truyền, tại mảnh đất này, ngày xưa trong cuộc chiến chống quân Nam Hán, vua Ngô Quyền từng dùng rặng Ruối ở đây để buộc voi chiến trước khi cho xuất trận. Cũng tại thôn Cam Lâm còn có đình thờ Vua Phùng Hưng, còn được gọi là Bố Cái Đại Vương. Ông được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này vào thế kỷ thứ 8. Vị vua này đã từng oai hùng hạ gục hổ dữ cứu dân lành tại đồi Hùm. Vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, dân làng thường mở hội để tưởng nhớ công ơn Bố Cái Đại Vương.  

                       Nhà cổ tại thôn Mông Phụ

Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với những căn nhà cổ được xây bằng đá ong, có lịch sử khoảng 300 - 400 năm. Hiện nay, Đường Lâm có 956 ngôi nhà đã hơn 150 năm tuổi. Trong đó, thôn Đông Sàng có 441 nhà, Mông Phụ có 350 nhà và Cam Thịnh có 165 nhà. Ngôi nhà cổ nhất ở Đường Lâm được xây từ năm 1649, đến nay đã có hơn 360 năm tuổi. Với diện tích 420m², ngôi nhà gồm 5 gian 2 chái, 3 gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, 2 gian bên là nơi mẹ chồng nàng dâu ở. Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu. Cột trụ và trần nhà được làm bằng gỗ xoan.. Mái nhà bao giờ cũng võng xuống theo hình cánh diều, được lợp ngói mũi theo lối lợp chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vẩy rồng.  

Trong 16 di tích ở Đường Lâm có 7 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, 1 di tích đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng. Đặc biệt có chùa Mía là di tích đã bảo lưu được một số tượng và đồ thờ khá lớn. Chùa có 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét, thân và rễ cây si).  

Giá trị của làng cổ Đường Lâm còn nằm ở việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở đây còn bảo lưu được các lễ hội, phong tục tôn vinh các vị anh hùng dân tộc; lưu giữ được trên 2000 trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của các làng, gia phả các dòng họ, gia đình, các tác phẩm văn học, văn hóa, y học, cùng với các bia ký, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích, các truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca.

                                   Di tích chùa Mía

Đường Lâm có 21 di vật ở niên đại tạo tác khác nhau qua nhiều thời kỳ, cổ nhất là tấm bia Phụng tự bi ký ở Cam Lâm, khắc năm Hồng Đức 4 (1473) ghi nhớ về việc thờ cúng Phùng Hưng, tấm bia Sùng Nghiêm tự bi ký ở chùa Mía khắc năm Đức Long 6 (1634) ghi việc trùng tu chùa vào năm 1632… Hay bản gia phả họ Giang được biên soạn năm Tự Đức 8 (1854) gồm 56 trang chữ Hán, ghi đầy đủ lời tựa, tên hiệu, công việc, ngày mất… của các thế hệ thuộc nhiều chi phái trong dòng họ khá cụ thể.    

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm tập trung vào các lĩnh vực: bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn không gian làng cổ; bảo tồn không gian nhà cổ; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với di sản văn hóa vật thể đặc biệt là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng; bảo tồn văn hóa ẩm thực Đường Lâm và bảo tồn những phong tục tập quán.  

Chuyến tham quan sẽ trở nên thú vị hơn khi du khách thưởng thức những đặc sản dân dã, ngon miệng như bánh giò Phù Nhi ở thị trấn Phùng, bánh tẻ, bánh đúc ở chợ Mía, bún lá chấm tương... do các mẹ các chị ở đây làm từ chính hạt gạo họ gieo trồng. Những món đồng quê như gà quê luộc, mướp hương xào lòng gà, rau muống vừa hái vườn luộc chấm tương ở đây vừa rẻ lại vừa ngon, khó kiếm ở chốn thị thành.  

Làng cổ Đường Lâm là tài sản tinh thần vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Ngày 28/11/2005, Đường Lâm đã vinh dự được Nhà nước trao bằng chứng nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia và trở thành làng cổ đầu tiên của Việt Nam.

Phạm Phương (TTTTDL) biên tập