Sóc Trăng rộn ràng đón lễ Ooc-Om-Bok và hội đua ghe ngo
Cập nhật: 11/11/2010
Hằng năm, vào ngày rằm tháng 10 âm lịch (năm nay là vào ngày 20/11/2010), đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đều tổ chức lễ Ooc-om-bok ở từng gia đình, từng phum sóc. Ooc-om-bok còn gọi là lễ Cúng trăng, đây là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của đồng bào Khmer; ngoài phần lễ, còn có Hội đua ghe ngo. Lễ hội có ý nghĩa tạ ơn Thần Mặt Trăng và cầu mong điều lành, may mắn; cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Ở Sóc Trăng lễ Ooc-om-bok, hội đua ghe ngo thường được tổ chức quy mô lớn và ngày càng long trọng. Những ngày này, không khí lễ hội đang diễn ra sôi nổi khắp nơi, từ thành phố đến vùng nông thôn, phum, sóc ai ai cũng lo chuẩn bị đón lễ hội. Các đội ghe ngo tập dượt để đạt thành tích thi đấu cao trong ngày hội, người dân thì lo sửa sang, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón lễ.

 

Lễ cúng trăng: lễ cúng trăng vào tối ngày 14 tháng 10 (âm lịch), thời gian hành lễ trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Vị trí hành lễ đặt tại sân của từng nhà, sân chùa hay nơi rộng rãi không bị che khuất ánh trăng. Tại đây người ta chôn hai cây tre (hoặc tầm vông) làm trụ. Phía trên buộc một cây xà ngang dài chừng 3m, trang trí hoa lá (giống như một cổng chào). Phía dưới kê bàn đặt lễ vật. Lễ vật gồm có cốm nếp; các loại sản vật nông nghiệp có tinh bột (khoai lang, khoai môn, sắn); hoa trái (dừa, chuối, bưởi, cam...), bánh kẹo. Với lòng thành kính, mọi người ngồi chắp tay trước ban thờ, mặt hướng lên mặt trăng, một cụ già làm chủ lễ đọc lời khấn Thần Mặt Trăng, bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận lễ vật và ban phước lành cho họ.


Sau khi cháy hết tuần hương, người già gọi trẻ con đến ngồi xếp bằng trước ban thờ. Cũng động tác chắp tay thành kính trước ban thờ Mặt Trăng, sau đó một cụ già dùng tay nhúm một ít cốm và lễ vật khác, đút vào mồm từng đứa trẻ, tay kia vỗ lưng và hỏi ước muốn của chúng năm nay là gì? Năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rành rọt thì người lớn tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; trẻ nhỏ nô đùa, múa hát dưới trăng. Nếu có khách đến vào ngày này thì họ sẽ có quà bằng cốm dẹp.


Tại các ngôi chùa Khmer đêm 14 tháng 10 còn có tục thả đèn nước trên sông và thả đèn gió bay lên trời. Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc.

 

Đua ghe ngo: Ngày hôm sau lễ cúng trăng (ngày 15/10 âm lịch) là tục đua ghe ngo. Trước khi đi dự thi, cộng đồng thường làm lễ tạ thần và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi. Đội đua gồm những trai tráng khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, được lựa chọn rất kỹ từ trước. Mỗi đội có trang phục đẹp, mũ cùng màu.

 

Tham gia cuộc đua có hàng chục chiếc ghe đại diện cho các chùa hay các đội ở nhiều địa phương. Ban tổ chức chia các đội ghe tham dự thành hai nhóm A và B. Thông thường nhóm A là các ghe đã được xếp hạng trong mùa giải trước. Nhóm B là tất cả các ghe ngo còn lại. Nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng cồng và tiếng hò - hụi của các đội đua đang khởi động làm sôi động cả khúc sông.

 

Kỳ lễ hội Ooc-Om-Bok năm nay ở Sóc Trăng còn có các hoạt động văn hóa - triển lãm, nghệ thuật, thể dục thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, cờ ốc, nhưng hoạt động chính vẫn là đua ghe ngo. Tham dự đua ghe ngo năm nay có trên 40 đội của 10 huyện, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thông tin thêm

 

- Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 12/11 đến hết ngày 21/11/2010.

- Hội chợ triển lãm thương mại Sóc Trăng sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Hồ Nước Ngọt, TP. Sóc Trăng từ ngày 12 - 21/11/2010.

- Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụ khách hành hương trảy hội vào tối 14 (tức ngày 19/11/2010).

- Các cuộc đua ghe ngo sẽ được diễn ra trong các ngày 19 và 20/11/2010 tại trường đua Sóc Trăng trên sông Maspero, TP.Sóc Trăng.

- Ngày 13/11/2010, chợ đêm tại thành phố Sóc Trăng (gồm 100 gian hàng thương mại và 40 gian ẩm thực) sẽ chính thức được khai trương tại đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ vòng xoay Phú Lợi đến đường Trương Công Định, thành phố Sóc Trăng. Thời gian họp chợ từ 17 giờ-23 giờ mỗi ngày.


Phương Anh (tổng hợp)