Khám phá Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam
Cập nhật: 28/10/2010
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích khoảng 2.300 km², gồm 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, nằm cách trung tâm thị xã Hà Giang khoảng 150km, đây là nơi tập trung nhiều loại hình di sản, nổi bật là di sản địa chất và di sản văn hóa.

Ngày 3/10/2010, tại Hội nghị mạng lưới công viên địa chất Châu Âu tại Lavos (Hy Lạp), Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu công nhận là thành viên chính thức của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN - Global Network of National Geoparks). Như vậy, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành một công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, sau Công viên địa chất Langkawi (Malaixia) và là một trong 77 công viên địa chất của 24 quốc gia trên toàn thế giới được tổ chức GGN công nhận.

 

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi lưu giữ những giá trị địa chất độc đáo, tiêu biểu, ghi lại lịch sử phát triển của địa chất qua hàng triệu năm phát triển. Cùng với những giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn hội tụ, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Từ nhiều năm nay, vùng núi đá cực bắc này đã trở thành điểm đến có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học. Một số cảnh đẹp tự nhiên, di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật nổi bật và những hoạt động văn hóa đặc sắc ở Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có thể kể đến là:

 

Vườn hoa đá Khau Vai phân bố ở hai bên đường đến xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Ở khu vực này, quá trình karst phát triển sâu vào lớp đá vôi có tính chất khác nhau tạo nên các hình dạng hấp dẫn, nhờ những điều kiện địa chất và khí hậu đặc thù mà phần trên của chóp đá thường có dạng bông hoa, nụ hoa, nhành hoa với muôn vẻ kiều diễm tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng phong phú của người chiêm ngưỡng. Đây là sản phẩm độc đáo của tự nhiên được giữ gìn để nghiên cứu và thưởng ngoạn.

 

Vườn thú đá Lũng Pù phân bố bên phải đường Mèo Vạc - Lũng Pù. Đây là sản phẩm của quá trình karst diễn ra trong đới dập vỡ kiến tạo mạnh. Nhờ cả 2 tác động là dập vỡ kiến tạo và rửa lũa karst mà mỗi tháp đá, chỏm đá, tảng đá... trong khu vực này đều có hình thù kỳ dị làm người xem liên tưởng đến các thế rồng cuộn, hổ ngồi, chim kêu, vượn hót... Đặc biệt, trong khu vườn còn nhiều giống địa lan làm cho khu vườn càng trở nên sống động.

 

Bãi hải cẩu Vần Chải phân bố bên phải tuyến đường Yên Minh - Phó Cáo, ngay tại ngã 3 đường rẽ vào UBND xã Vần Chải. Tên gọi ”Bãi hải cẩu Vần Chải” xuất hiện do ở khu vực này người ta đã phát hiện hàng loạt những tảng đá vôi tròn nhẵn xếp gối sát nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con, đen bóng đang tựa vào nhau nằm nghỉ trên bãi biển bình yên. Dạng địa hình này được thành tạo do những lớp đá vôi dày, rắn chắc, có thế nằm thoải bị phong hóa bào mòn đều đặn nên không có dạng địa hình tai mèo sắc nhọn như những nơi khác. Đây là một trong những dạng địa hình karst rất độc đáo của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, đem lại cho khách du lịch một cảm giác ngạc nhiên thú vị.

 

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, ở độ cao khoảng 1.600m trên mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nơi cắm lá cờ ở cực bắc của Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú thể hiện sự khẳng định vị thế và chủ quyền của Việt Nam, đồng thời tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Một Cột cờ mới được xây dựng lại với qui mô lớn hơn tại địa điểm của cột cờ cũ đã được khánh thành ngày 25/9/2010. Lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương (dinh thự họ Vương) thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Dinh thự được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt với các hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi... tượng trưng cho quyền quí và hưng thịnh. Dinh thự mang một vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ "vương", tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa và được bao bọc bởi vòng tường thành xây bằng đá hộc có tác dụng vừa làm dinh thự vừa làm pháo đài phòng thủ.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn, nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, mang những bản sắc riêng biệt độc đáo của cư dân bản địa. Hiện nay, Phố cổ Đồng Văn còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ, trong đó cổ nhất là ngôi nhà của dòng họ Lương được xây dựng từ năm 1890. Đây là một quần thể kiến trúc thống nhất bao gồm khu chợ và đối diện với khu chợ là dãy nhà dân, rất độc đáo và phù hợp với phong thủy của vùng cao nguyên đá. Kiến trúc các ngôi nhà ở khu phố cổ có dáng vẻ bề ngoài khá tương đồng nhưng lại mang những nét kiến trúc độc đáo riêng của từng dân tộc. Các ngôi nhà đều là nhà gỗ và có tường đất dày tới nửa mét, hoặc xây bằng gạch; mái lợp ngói âm dương. Sân nhà, các bậc tam cấp và các tảng đá kê chân cột đều được làm bằng đá xanh được chạm trổ bằng tay khá công phu.

 

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Phố cổ Đồng Văn, một hoạt đông văn hóa rất có ý nghĩa là "Đêm rằm phố cổ” được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 âm lịch hàng tháng. Trong những đêm hội này, các ngôi nhà trong phố cổ đều được thắp đèn lồng, các hoạt động văn hoá văn nghệ hấp dẫn được tổ chức ngay trong khu chợ cổ như liên hoan ẩm thực, biểu diễn văn nghệ và các nghề thủ công truyền thống…

 

Chợ tình Khâu Vai là di sản văn hóa rất độc đáo, rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/ 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Đây là nơi hò hẹn gặp gỡ hàng năm của tất cả những đôi lứa lỡ duyên và giờ đây còn là nơi gặp gỡ tìm hiểu giao duyên của tất cả thanh niên nam nữ các dân tộc ở huyện Mèo Vạc và cả những khu vực lân cận.

 

Thông tin thêm:

 

+ Những sản phẩm mà khách du lịch có thể mua làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng khi đến tham quan Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm:

 

- Các sản phẩm tuyên truyền về Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn như: sổ tay hướng dẫn du lịch, đĩa CD/DVD phim; bản đồ du lịch địa chất; bản đồ phân bố di sản; tờ rơi giới thiệu về Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn...

- Các tác phẩm hội họa, điêu khắc và sản phẩm thủ công mỹ nghệ minh họa những di sản tiêu biểu của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn như: hóa thạch Tay cuộn, hóa thạch Bọ ba thùy, hẻm vực Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú, Logo Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn...

- Các đặc sản địa phương: rượu ngô Quản Bạ, vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, hồng không hạt Quản Bạ, xoài Yên Minh, gạo đặc sản (Yên Minh, Đồng Văn),...

 

+ Để tìm hiểu các thông tin về du lịch trên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách có thể liên hệ với các đơn vị tổ chức:

 

- Trung tâm thông tin Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn
Địa chỉ: Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Giang.
Điện thoại: (84-19) 3860393; Fax: (84-19) 3860393
Email: hagianggeopark@gmail.com

- Phòng trưng bày tư liệu Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn
Địa chỉ: Bảo tàng tỉnh Hà Giang, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Hà Giang.
Điện thoại: (84-19) 3867029
Email: baotanghagiang@gmail.com

- Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Hà Giang
Địa chỉ: Tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Giang.
Điện thoại: (84-19) 3868368; Fax: (84-19) 3875488
Email: dulichhagiang@gmail.com

Phương Anh (tổng hợp)

Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn/ TTTTDL