Theo kế hoạch, 3 đội Anh,
Hàn Quốc, Việt Nam sẽ lần lượt trình diễn trong 20-25 phút vào đêm thứ nhất
29-4 của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 với chủ đề “Lung linh sông
Hàn”. Đêm sau, ngày 30-4 sẽ là cuộc thi tài của đội Ý và Trung Quốc. Để bảo đảm
cho một lễ hội pháo hoa thành công, mới mẻ, thỏa sự chờ đợi của người dân lẫn
du khách thập phương, hiện UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên
quan triển khai công tác chuẩn bị.
Sẽ có 25 đến 30 nghìn chỗ
ngồi trên các khán đài dành cho khán giả xem pháo hoa vào hai ngày 29 và 30-4
năm sau, do Công ty CP Đầu tư công nghiệp Đông Dương xây dựng. Ban tổ chức
(BTC) sẽ dành lượng chỗ ngồi hợp lý để bán cho du khách và nhân dân, trong đó
ưu tiên bán vé thông qua các công ty du lịch, giúp doanh nghiệp chủ động đưa
đón và bố trí tour cho du khách đến Đà Nẵng trong dịp này. Khách đến xem dễ tìm
ra chỗ ngồi hơn với các khu vực khán đài được thiết kế khác nhau về màu sắc,
lối đi. Vé cũng có nhiều màu sắc theo màu của khán đài và từng đêm thi. Mặt sau
của vé in sơ đồ hướng dẫn đường đi đến các khán đài. Cả giấy mời và vé đều dùng
hai ngôn ngữ Việt-Anh, có tem chống giả và in số seri để tiện kiểm soát.
Như mọi năm, Bộ Chỉ huy
Quân sự thành phố là đơn vị bố trí địa điểm chứa pháo trong thời gian chờ lắp
đặt và khu vực bắn pháo. Các trang thiết bị, dụng cụ lao động, phương tiện vận
tải, hệ thống thông tin liên lạc cần thiết phục vụ cho việc lưu trữ, bảo quản,
làm việc tại khu vực chứa pháo và bắn pháo sẽ được chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc
nâng cao chất lượng kỹ thuật trình diễn pháo hoa, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND
thành phố phương án xây dựng và các chế độ, chính sách đầu tư trang thiết bị
cần thiết để hình thành đội bắn pháo hoa quốc tế hằng năm, phục vụ các hoạt
động lễ, Tết, sự kiện văn hóa lớn trên địa bàn thành phố và tham gia các cuộc
thi quốc tế khác.
Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ
nghiên cứu thành lập các đơn vị thuộc thành phố có đủ năng lực, khả năng tổ
chức xây dựng khán đài và các chương trình nghệ thuật âm thanh, ánh sáng…, bảo
đảm tính chủ động và giảm bớt chi phí cho những lần thi tới. Trước mắt, chương
trình nghệ thuật cũng như các khâu trên sân khấu vẫn do Công ty Sơn Lâm đảm
nhiệm.
Trước nhu cầu xem pháo hoa
trên thuyền của rất nhiều du khách trong lần thi năm 2010, UBND thành phố giao
Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch
(VH-TT-DL) và UBND quận Sơn Trà thông báo cho các chủ thuyền trên địa bàn thực
hiện việc đăng ký kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách, với mức giá không
quá 200 nghìn đồng/người/đêm. Việc xem pháo hoa trên thuyền, bến đậu đỗ sẽ được
tổ chức, quản lý chặt chẽ, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cao nhất cho
du khách…
Ngoài ra, Sở VH-TT-DL tiếp
tục xây dựng các hoạt động phụ trợ trước và sau cuộc thi, ưu tiên khuyến khích
các doanh nghiệp tham gia đề xuất ý tưởng cho hoạt động này. Tùy theo hoạt động
cụ thể, UBND thành phố sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí hoặc hỗ trợ bằng
hình thức khác. Bên cạnh đó, để khai thác chi tiêu của du khách và quảng bá
DIFC 2011, Sở Công thương sẽ chịu trách nhiệm tạo các sản phẩm lưu niệm liên
quan đến cuộc thi như áo thun, logo; đồng thời cũng khuyến khích doanh nghiệp
in ấn, sản xuất các vật phẩm khác.