Đặc sắc lễ hội đền Đồng Nhân
Cập nhật: 08/03/2011
Lễ hội đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội lớn của nước ta, được tổ chức ở đền Đồng Nhân (12 Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhằm tưởng nhớ hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị - những vị nữ anh hùng kiệt xuất đã phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán giành độc lập cho dân tộc.

Hai bà quê ở Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội). Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Vào những năm 40 - 43 sau công nguyên, khi nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, thái thú nhà Đông Hán là Tô Định đã giết hại Thi Sách - chồng của bà Trưng Trắc. Hận giặc đàn áp nhân dân, giết hại chồng mình, hai bà đã phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Đông Hán, lấy được 65 huyện thành (toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó) và tự xưng làm vua. Năm 42, nhà Đông Hán sai tướng là Mã Viện mang quân sang chiếm lại nước Việt. Lực lượng của hai bà yếu thế hơn và phải rút về Cấm Khê (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) cầm cự gần 1 năm. Khi không chống đỡ nổi, hai bà chạy về địa phận đền Hát Môn bây giờ (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn vào ngày 6/2 âm lịch. Khi chết đi, hai bà hóa thành pho tượng đá trôi trên sông Hồng về bãi Đồng Nhân (Thanh Trì, Hà Nội) và ban đêm thường phát sáng rực rỡ. Năm 1142, dưới triều vua Lý Anh Tông, sau khi vua biết chuyện về pho tượng phát sáng đã truyền lệnh cho dân làng Đồng Nhân lấy vải đỏ rước tượng bà về và lập đền thờ ngay tại bãi Đồng Nhân ven sông. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 6/2 âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ hai bà. Về sau, do bãi sông bị lở dần, đền có nguy cơ bị đổ nên dân làng dời đền về khu Võ Sở (thời Lê dùng làm nơi luyện và thi võ) ở thôn Hương Viên (nay thuộc phường Đồng Nhân, Hà Nội). Dân làng Đồng Nhân ở ngoài bãi cũng di chuyển theo đền về nơi mới để thờ cúng hai bà.

Lễ hội đền Đồng Nhân được tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 6/2 âm lịch. Phần lễ được bắt đầu bằng lễ mở cửa đền vào ngày mùng 3. Sang ngày mùng 4, dân làng làm lễ nhập tịch. Ngày mùng 5 là chính hội, dân làng sẽ rước kiệu hai bà ra tận khu vực sông mà tượng của hai bà dạt vào trước kia. Sau đó, một nhóm người sẽ lên ba chiếc thuyền ra giữa sông lấy nước mang về đền. Số nước lấy về sau khi để lắng, lọc sạch, đun sôi cùng trầm hương sẽ được dùng để thực hiện nghi lễ “mục dục” (lễ tắm tượng). Làng sẽ chọn hai người đàn bà goá chồng tiết hạnh để thực hiện nghi lễ này vào đêm mùng 5. Số nước còn lại sẽ được sử dụng cho các nghi lễ khác trong năm.

Trong ngày mùng 5 còn diễn ra lễ múa đèn. Tốp múa đèn gồm từ 10 đến 12 cô gái độ tuổi đôi mươi, vóc dáng như­ nhau, mặc áo dài đen, quần hồng, thắt l­ưng đỏ, đầu chít khăn lụa màu. Mỗi ngư­ời cầm hai cây đèn làm bằng đài gỗ dán giấy màu xung quanh, nến thắp cháy sáng ở giữa. Tốp múa này được xếp thành hàng đứng trư­ớc hư­ơng án và múa uyển chuyển, lúc lên lúc xuống, lúc đan xen, lúc tách hàng theo tiếng trống cơm của hai cô gái đánh bồng (do nam giới cải trang) làm nhịp cho điệu múa.

Sáng mồng 6, chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc - tái hiện cảnh Hai Bà Trưng phất cờ cưỡi voi đánh giặc sẽ được tổ chức. Tiếp đó là lễ dâng hương của các tầng lớp nhân dân tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng dân tộc và lễ đóng cửa đền.

Bên cạnh phần lễ long trọng và hoành tráng, phần hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, thu hút nhiều du khách tham dự như: múa rồng, múa sư tử, trình diễn thể dục dưỡng sinh, biểu diễn hát chèo, hát dân ca trên thuyền rồng tại hồ trước cửa đền, hội thổi cơm thi…

Thanh Hải - Thúy Hằng biên tập