Chiều ngày 18/6/2011, tại khách sạn Hương Giang (Thừa Thiên
– Huế) đã diễn ra phiên họp đầu tiên nhằm thảo luận chương trình và kế hoạch
tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2012 do tỉnh Thừa Thiên – Huế đăng cai tổ chức. Một
trong những nội dung quan trọng của phiên họp là thống nhất lấy tên gọi cho Năm
Du lịch Quốc gia 2012 là “Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế
2012” với chủ đề “Du lịch di sản”.
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch Hoàng Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa
Thiên – Huế Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn
Cao; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn; các thành viên của Ban
Tổ chức, Ban Chỉ đạo Năm Du lịch Quốc gia 2012 cùng đại diện các ban, ngành
liên quan, các Sở VHTTDL của các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh,
Bắc Trung Bộ là khu vực có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: Thành
nhà Hồ (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Thành cổ
Quảng Trị (Quảng Trị), Cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế)…; các làn điệu dân ca, lễ
hội dân gian… Vì vậy, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2012 tại khu vực Bắc
Trung Bộ là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam đến bạn bè thế giới và khu vực;
đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn các di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân
dân.
Trong phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và cơ bản thống
nhất gần 30 kế hoạch, chương trình cho Năm Du lịch Quốc gia 2012. Theo kế hoạch
dự thảo, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức một số hoạt
động nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2012 như: chương trình doanh nhân Việt
Nam với văn hóa, di sản dân tộc lần thứ nhất; Duyên dáng Việt Nam 2012; diễn
đàn hợp tác quốc tế và phát triển du lịch đường bộ với các nước thuộc hành lang
kinh tế Đông Tây; liên hoan hợp xướng quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam... Riêng
tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt trong cả năm 2012
như: lễ hội Phật đản, lễ hội Hoa đăng, chương trình “Ấn tượng mưa Huế”, lễ hội “Sóng
nước Tam Giang”..., trong đó điểm nhấn là Festival Huế 2012.
Bên cạnh đó, Năm Du lịch Quốc gia 2012 còn có nhiều hoạt
động do các tỉnh, thành phố khác tổ chức như: lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần
Nhân Tông nhập Niết Bàn (Quảng Ninh); lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình); lễ Khao
lề thế lính Hoàng Sa (Quảng Ngãi); cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế (TP. Đà Nẵng);
lễ hội Hang động Việt Nam (Quảng Bình); lễ hội Làng Sen (Nghệ An); lễ hội văn
hóa, du lịch “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ 3 (Quảng Trị); lễ hội Lam Kinh (Thanh
Hóa); lễ hội Đêm phố cổ Hội An (Quảng Nam)…
Cuối phiên họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã kết luận một số
vấn đề quan trọng liên quan đến việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2012, đó là: lồng
ghép lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2012 với lễ khai mạc Festival Huế
2012 (đầu tháng 4/2012); chọn Nhật Bản làm đối tác chính trong Năm Du lịch Quốc
gia 2012; giao Tổng cục Du lịch cùng các ban, ngành liên quan hoàn thiện chương
trình cụ thể của Năm Du lịch Quốc gia 2012 để họp thông qua tại phiên họp thứ
2 vào tháng 9 tới, đồng thời đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, quảng bá và đảm bảo các cơ sở vật chất để Festival Huế nói riêng
và Năm Du lịch Quốc gia 2012 nói chung thu hút lượng khách du lịch gấp đôi so
với các kỳ Festival Huế trước.
Phạm Phương (TTTTDL)