Về thăm làng Quán La
Cập nhật: 27/07/2011
Nằm bên Hồ Tây thơ mộng, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, làng Quán La hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính được gìn giữ từ muôn đời nay. Về thăm làng Quán La, du khách sẽ được khám phá quần thể di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng bao gồm: chùa Khai Nguyên, đền Sóc, đình Quán La...

Làng Quán La nằm trên thế đất khá cao và bằng phẳng. Thời Tiền Lê, làng có tên là Già La, thời Lý là Thiên Phù, thời Trần đổi thành Thiên Hán và đến thời Hậu Lê thì gọi là làng Quán La. Tương truyền, giữa làng không biết từ khi nào bỗng nổi lên 7 gò đất giống như chòm sao Bắc Đẩu, gọi là Thất Tinh. Hiện trong quần thể Thất Tinh chỉ còn lại 3 gò đất nằm sát cạnh nhau. Trên gò Thất Diệu có đình Quán La, một gò có chùa Khai Nguyên và gò còn lại có miếu thờ các kỹ nữ Chiêm Thành.    

Chùa Khai Nguyên được xây dựng trên nền cũ của quán Khai Nguyên. Tục truyền rằng, vào thế kỷ thứ 7, viên Thứ sử Lư Hoán đến Quán La, thấy nơi đây có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình liền cho dựng quán, đặt tên là Khai Nguyên. Quán thờ Huyền Nguyên đại đế, và là nơi hành đạo của nhiều đạo sĩ cũng như nơi du ngoạn của vua quan, triều đình. Đến đời vua Trần Dụ Tông (1336-1369), nhà sư Văn Thao đã trùng tu quán Khai Nguyên thành một ngôi chùa và đặt tên là An Dưỡng tự. Sau một thời gian hoang phế, đến giữa thời Lê (cuối thế kỷ 17), chùa mới được dựng lại và đặt tên là chùa Khai Nguyên như hiện nay. Chùa Khai Nguyên có kết cấu hình chữ Đinh, gồm tiền đường và Phật điện. Mái chùa lợp bằng ngói vảy hến. Trong chùa còn lưu giữ tấm bia niên hiệu Thái Đức thứ 11 (1788) nói về quá trình tu bổ, xây dựng chùa. Đặc biệt, chùa còn có quả chuông đúc vào tháng Chạp năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) và 1 pho tượng cổ rất đẹp. Theo sư trụ trì chùa thì pho tượng này là vua Đường Minh Hoàng (Trung Quốc). Ngoài ra, trong chùa còn có hai dãy tượng, một dãy thờ Ngũ vị tôn ông, một dãy thờ Tứ phủ chầu bà.  

Đền Sóc được xây dựng từ thời Lý, thờ Thánh Gióng. Tương truyền, sau khi đánh tan giặc Ân, trước khi phi ngựa lên núi Sóc bay về trời, Thánh Gióng đã ngồi nghỉ bên Hồ Tây, giở cơm nắm ra ăn. Vì vậy, nhân dân đã lập đền thờ Thánh Gióng trên gò con Phượng cạnh gốc đa, là nơi Thánh ngồi nghỉ. Trước đền Sóc có cổng tam quan. Bên trong đền có lầu bát giác với phiến đá lớn tượng trưng cho nơi Thánh Gióng ngồi ăn cơm. Năm 1990, đền Sóc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.  

                      Lối vào ngôi mộ Hán
Cách đền Sóc khoảng 200m là đình Quán La, (xưa còn có tên là quán Già La) thờ thành hoàng làng Duệ Trang, người có công lớn trong việc đánh giặc, giữ nước và đã hoá tại khu vực đình ngày nay. Đình Quán La được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê với kết cấu kiểu giá chiêng chồng giường. Đình hiện còn lưu giữ 19 đạo sắc phong, trong đó sắc phong sớm nhất là vào năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) và sắc phong cuối cùng là năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Hàng năm, cứ đến ngày 14/4 âm lịch, dân làng Quán La lại tổ chức lễ cầu mưa, cầu mát tại đình.  

Phía dưới nền đình Quán La là hệ thống địa đạo có từ rất lâu đời. Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia lịch sử và khảo cổ học, hệ thống địa đạo này chính là những mộ táng được xây bằng gạch dưới thời Bắc thuộc. Gạch xây mộ, có loại được chạm trổ hoa văn, có loại không. Đó là nét đặc trưng của mộ Hán. Hầm mộ tương đối lớn, được xây nhiều ngăn, nhiều ngách với kiến trúc cửa vòm cuốn. Ngăn chính (Thất) có chiều cao khoảng 1,6m, dài khoảng 5-6km, là nơi để mộ phần chủ nhân. Các ngăn còn lại là ngăn ngách (Nhĩ thất) có chiều cao khoảng 1,2m và đều được ốp gạch, dùng để đồ tuỳ táng. Hiện nay, thần phả lưu giữ tại đình Quán La đã bị thất lạc nên không thể khẳng định được chính xác về niên đại cũng như nhân vật được chôn trong ngôi mộ này.  

Trước đình Quán La có một cây thị cổ, tương truyền, vào thời Lý, chỗ này chính là nơi ở của các kỹ nữ Chiêm. Cây thị rất lớn nhưng hàng năm chỉ có một vài quả nhỏ, rất thơm nhưng không ăn được. Hiện dưới gốc cây thị có một am thờ các kỹ nữ Chiêm.  

Năm 1984, đình Quán La đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.     

Là một trong số ít những điểm đến của thủ đô Hà Nội còn giữ được những nét đẹp cổ kính, nguyên sơ với những di tích văn hóa – lịch sử đặc sắc, làng Quán La đang thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.

Phạm Phương (TTTTDL)