Sóc Sơn – vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh
Cập nhật: 15/08/2011
Vào mỗi dịp cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ tết, không ít du khách đã tìm về những làng quê yên bình, những đền chùa, miếu mạo để tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng đãng và tìm kiếm những phút giây thư thái, thanh tịnh trong tâm hồn. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía bắc, Sóc Sơn là một địa điểm thú vị cho những chuyến dã ngoại cuối tuần khi du khách muốn tìm về với du lịch văn hóa, tâm linh.

                       Cảnh đẹp non nước hữu tình của Sóc Sơn

Thuộc địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, quần thể di tích đền Sóc nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, bao gồm các công trình: đền Trình, chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng, tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Quần thể di tích này gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng từ thuở hồng hoang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm, vừa thơ mộng, hữu tình của một vùng núi đồi bao la, thoáng đãng, bốn mùa cây cối xanh tươi.

Nằm ngay dưới chân núi Vệ Linh, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm, đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng, huyền bí. Bên trong đền còn lưu giữ những pho tượng cổ rất đẹp. Đặc biệt, trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những hoạ tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Bên cạnh đền Trình là chùa Đại Bi . Ngôi chùa nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo, từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong đền treo nhiều hoành phi, câu đối lộng lẫy và uy nghiêm. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu - nơi thờ mẹ Thánh Gióng – gồm 3 gian, 2 nếp xây tường hồi bít đốc. Cảnh đền thanh tịnh, nghi ngút khói hương.

                                                       Đền Sóc

Nằm ở lưng chừng núi Vệ Linh là đền Sóc (còn gọi là đền Thượng), nơi thờ Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tương truyền, sau khi đánh thắng giặc Ân, tới chân núi Vệ Linh, ngài đã để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi và cưỡi ngựa sắt bay về trời. Được xây dựng từ năm 980, đền Sóc mang đậm phong cách cổ của Phật giáo với kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Ngôi đền gồm 5 gian hai chái; phía trong là hậu cung - nơi đặt tượng thờ Phù Đổng Thiên Vương, đôi ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Đức Thánh cưỡi để dẹp giặc Ân cùng tượng bốn vị quan đã từng phò giúp ngài.

Từ đền Sóc, tiếp tục leo lên đỉnh núi Vệ Linh ở độ cao 302m, du khách sẽ thấy tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, nặng 85 tấn, được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tượng khắc hoạ hình ảnh Thánh Gióng tay cầm gậy tre, cưỡi trên lưng tuấn mã trong tư thế chuẩn bị bay vút lên trời xanh. Đứng ở vị trí này, Đức Thánh có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần "hộ quốc an dân" trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long - Hà Nội.

Lên đỉnh núi Vệ Linh, du khách còn có dịp ghé thăm nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông tựa như chiếc mũ sắt của Đức Thánh Gióng năm xưa. Đặc biệt, tại đây còn có bia đá ghi lại lịch sử hình thành đền Sóc và lễ hội đền Sóc, giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của quần thể di tích này.   

Đền Sóc không chỉ là quần thể di tích linh thiêng thờ vị thánh của dân tộc, mà còn là một khu du lịch văn hóa, tâm linh đặc biệt của thủ đô. Năm 1962, quần thể di tích đền Sóc đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử  - văn hóa cấp quốc gia.  

                                              Chùa Non Nước 

Cùng nằm trên núi Vệ Linh, ở độ cao 110m so với mực nước biển, chùa Non Nước (có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) là một trong những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi. Được xây dựng từ thời Tiền Lê, ngôi chùa gắn liền với vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam - Khuông Việt Đại Sư. Theo thuyết phong thủy, chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục, nằm ở chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai nhìn xuống phong cảnh làng quê bên dưới. Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền chùa cũ, theo kiến trúc chùa cổ gồm 7 gian 2 chái; hoạ tiết, hoa văn được trang trí cũng theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê. Khuôn viên chùa rộng rãi, tôn nghiêm với phong cảnh hữu tình, thanh tịnh. Đặc biệt, chùa có pho tượng Phật bằng đồng đúc liền khối, nặng 30 tấn, cao 6,5m. Bức tượng được đánh giá là một công trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam.

Dời quần thể đền chùa ở khu vực núi Vệ Linh, đi khoảng 2km đến xã Hiền Ninh, du khách sẽ được tham quan một “bảo tàng” ngoài trời độc đáo, mang đậm phong cách dân dã của người Việt, đó là Việt Phủ Thành Chương. Đây là một trong những công trình kiến trúc, nghệ thuật lưu giữ những giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt.

                                       Việt Phủ Thành Chương

Được xây dựng từ tháng 8/2001 và hoàn thành vào năm 2009, Việt Phủ có diện tích hơn 10.000m², lưng dựa vào núi Sóc, kề bên là hồ Kẻo Cả quanh năm nước trong xanh. Từ cổng chính, đi qua con đường lát gạch Bát Tràng, du khách sẽ vào bên trong Việt Phủ với hàng chục ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà truyền thống ở nhiều vùng miền khác nhau: nhà Thanh Tĩnh bằng gỗ lim của người Công giáo vùng Nam Định; nhà sàn cổ của người Mường ở Hòa Bình; nhà Tường Vân tiêu biểu cho phong cách của tầng lớp quan lại dưới thời nhà Nguyễn tại kinh đô Huế; nhà Đại Khoa được làm bằng gỗ xoan, đặc trưng cho kiến trúc của vùng đất Kinh Bắc xưa; nhà Long Đình được thiết kế mang dáng dấp của một ngôi đình, nơi khách tham quan có thể ngồi thưởng trà, ngắm sen và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian cổ truyền như: ca trù, quan họ, chèo, chầu văn, múa rối nước...; nhà nghỉ chân dành cho du khách được làm bằng gỗ, lợp cói khô… Ở trung tâm của Phủ còn có một tháp nước cao 25m được xây dựng theo kiến trúc chùa Dâu.

Trong Việt Phủ trưng bày nhiều hiện vật cổ bằng đồng, gốm, sứ có từ các thời kỳ: Đinh, Lý, Trần, Lê. Ngoài sân trưng bày rất nhiều vật dụng đặc trưng của người nông dân Việt Nam  như: chum nước, vại sành, cối giã gạo, cối xay thóc, cày, cuốc, nơm lờ, thúng, mủng, dần, sàng… Ngoài ra, đến đây, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn dân dã của người Việt tại khu nhà ẩm thực, như: nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc...

Với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành, cùng những di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc sắc, Sóc Sơn đã trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của thủ đô.

Phạm Phương (TTTTDL)