Du lịch Đắk Nông – một hành trình nhiều trải nghiệm
Cập nhật: 09/01/2012
Đắk Nông là địa phương không chỉ có khí hậu ôn hòa quanh năm mà còn mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của đại ngàn, của những ngọn thác, hồ nước… và đặc biệt là cả một kho tàng văn hóa đồ sộ và độc đáo của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây.

Trên địa bàn tỉnh hiện có tới 16 thác nước quanh năm tung bọt trắng xóa, trong đó nổi bật nhất là thác Ba Tầng, cụm thác Gia Long – Dray Nur – Dray Sáp, thác Trinh Nữ... Mỗi ngọn thác đều ẩn chứa những truyền thuyết mà bất cứ ai đến đây cũng đều muốn tìm hiểu, khám phá.  

                                              Thác Ba Tầng

Từ thị xã Gia Nghĩa, đi theo quốc lộ 14 về hướng bắc khoảng 8km tới xã Quảng Thành (huyện Đắk G’long), rồi theo con dốc đi khoảng 300m về phía thung lũng, du khách sẽ nghe thấy tiếng thác nước Ba Tầng dội ầm ầm. Ba tầng thác có chiều cao tổng cộng khoảng 25m. Tầng thác thứ nhất cao 1,5m, tầng thứ hai cao 2m, tầng thứ ba lớn nhất và là thác chính của cụm thác Ba Tầng cao hơn 20m, ngày đêm ầm ào đổ nước xuống con suối dưới chân thác. Xung quanh thác có nhiều cây cổ thụ và những bãi đất trống, rộng rãi là địa điểm cắm trại lý tưởng cho du khách.    

Tiếp tục hành trình, theo quốc lộ 14 về phía bắc khoảng gần 60km, du khách sẽ đến với cụm thác Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp trên dòng sông Sêrêpốk xinh đẹp. Thác Gia Long thuộc xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, nơi thượng nguồn sông Sêrêpốk. Thác có tên là Gia Long bởi xưa kia Vua Gia Long đã từng đến đây dạo chơi, ngắm cảnh. Thác nước chảy xiết, cuồn cuộn đổ từ độ cao khoảng 50m xuống dòng Sêrêpốk. Thắng cảnh thiên nhiên nơi đây có hệ sinh thái rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý, chan hòa tiếng chim muông hót vang rộn rã.  

                              Rừng nguyên sinh bên thác Dray Sáp

Dòng sông Sêrêpốk là hợp lưu của 2 con sông Krông Nô và Krông Ana mà người Ê Đê quen gọi là sông Chồng và sông Vợ. Chuyện kể rằng, xưa kia, có một người con trai của buôn Kuốp đem lòng yêu thương một người con gái bên kia sông nhưng bị 2 dòng họ ngăn cản. Vì quá yêu nhau nên trong một đêm trăng thanh, giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, bên dòng sông Sêrêpốk cuộn trào nước chảy, đôi trai gái đã cùng nhau nhảy xuống sông tự tử. Khi đó, bỗng nhiên mây đen kéo đến, trời mưa rất to khiến cho dòng sông cuồn cuộn nước. Sáng hôm sau, dòng sông đã chia thành 2 nhánh, nhánh sông Krông Ana tạo ra thác Đray Nur và nhánh sông Krông Nô tạo ra thác Đray Sáp.  

Đến với thác Đray Nur thuộc xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, du khách sẽ thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác. Từ độ cao 30m, thác Dray Nur đổ nước xuống sông Sêrêpốk khiến bọt tung trắng xóa, hơi nước giăng khắp nơi. Nằm trong lòng thác là một hang lớn, rộng gần 3.000m². Bên trong hang, ánh sáng lung linh của màn nước chắn nơi cửa động khiến du khách có cảm giác như đang đứng dưới cung điện của vua Thuỷ Tề.  

                                              Thác Dray Sáp

Từ thác Đray Nur, qua cầu treo bắc ngang sông, theo con đường dài khoảng 200m nằm quanh co giữa những tán rừng nguyên sinh, du khách sẽ đến với thác Đray Sáp thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Nô. Theo tiếng Ê Đê, “Đray Sáp” có nghĩa là “Thác Khói”. Thác cao 20m ngày đêm tuôn trào như một bức thành nước trong không gian mờ ảo và tiếng thác tuôn ầm ào.    

Trước khi hòa vào dòng Sêrêpôk, nhánh sông Krông Nô còn phải vượt qua những dãy đá lởm chởm, xếp chồng lên nhau. Lực cản cuối cùng đó đã tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn với tên gọi vô cùng thơ mộng - thác Trinh Nữ. Không hùng vĩ, dữ dội như những ngọn thác khác, thác Trinh Nữ êm đềm, dịu dàng như nàng thiếu nữ đang vào độ tuổi xuân thì. Theo những con đường bằng đá quanh co, uốn lượn, du khách có thể đến nghỉ chân trong những chòi mái lá xinh xắn, nghe câu chuyện về người con gái đã quyết tâm gửi thân mình vào dòng nước khi chuyện tình yêu gặp nhiều trắc trở. Đặc biệt, khu vực thác Trinh Nữ còn có khu di sản địa chất với những tảng đá bazan lớn muôn hình muôn vẻ, có kết cấu như than đá.

Bên cạnh những ngọn thác trên, ở địa bàn tỉnh Đắk Nông còn có rất nhiều ngọn thác đẹp khác như: thác Lưu Ly (huyện Đắk Song), thác Diệu Thanh (huyện Đắk R’lấp), thác Đắk G’lun (huyện Đắk R’lấp), thác Gấu, thác Ngầm (huyện Đắk G’long)...      

                                               Hồ Ea Snô

Cùng với hệ thống thác nước, Đắk Nông còn có nhiều hồ nước nằm giữa các khu bảo tồn thiên nhiên tạo thành những tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến hồ nước Ea Snô thuộc xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô với diện tích hơn 80ha, một thắng cảnh thiên nhiên kì thú gắn liền với những truyền thuyết dân gian và tập tục của cư dân trong vùng. Đến đây, du khách có thể du thuyền ngắm những ngọn đồi xanh quanh hồ hay ngược dòng lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh và buôn Bu Nơr - quê hương của tù trưởng Nơ Trang Lơng. Hai vị tù trưởng này đã lãnh đạo đồng bào M’Nông vùng lên khởi nghĩa, bảo vệ núi rừng Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.  

                                             Lễ hội đâm trâu

Ngoài giá trị tài nguyên thiên nhiên, Đắk Nông còn được coi là quê hương của sử thi, của những truyền thuyết. Đắk Nông là tỉnh nằm trong vùng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Người M’Nông ở Đắk Nông hiện vẫn còn lưu giữ được gần 20 bài nhạc cồng chiêng cổ. Nơi đây còn là vùng đất hội tụ nền văn hóa của nhiều dân tộc anh em với những lễ hội dân gian đặc sắc như: lễ hội rượu cần, lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành,…; những nhạc cụ thô sơ; những điệu múa, lời ca gắn liền với tập quán sinh hoạt văn hóa.    

Những thác nước hùng vĩ giữa đại ngàn, những khu bảo tồn thiên nhiên trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là lợi thế để Đắk Nông phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Trong tương lai không xa, “viên ngọc” Đắk Nông trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này sẽ tỏa sáng, ngày càng hấp dẫn và cuốn hút du khách.

Phạm Phương (TTTTDL)