Cửu Đỉnh - Bộ sưu tập độc đáo hình ảnh đất nước Việt Nam
Cập nhật: 24/11/2011
Bất cứ ai đến tham quan Thế Miếu - nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại Nội (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đều không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng, thán phục trước 9 chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh) đồ sộ, uy nghi như những chứng cứ lịch sử về một triều đại phong kiến Việt Nam đã tồn tại 143 năm.


Theo sách “Đại Nam thực lục, chính biên”, Cửu Đỉnh được Vua Minh Mạng (1820 - 1840) cho đúc vào cuối năm 1835, đến đầu năm 1837 thì hoàn thành. Cửu Đỉnh biểu thị sự giàu đẹp của non sông, đất nước Việt Nam và thể hiện mong ước về sự trường tồn mãi mãi của vương triều nhà Nguyễn bởi chữ “cửu” tức số 9 là con số kết thúc một chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng và sang đến số 10 sẽ bắt đầu một chu kỳ mới. Với dụng ý đúc Cửu đỉnh để khẳng định nghiệp đế vương muôn năm bền vững và tên các đỉnh được đặt dựa vào thụy hiệu của các đời vua Nguyễn, Vua Minh Mạng đã không chỉ đặt thụy hiệu cho Vua Gia Long (Thế Tổ Cao Hoàng Đế) và mình (Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế) mà còn đặt sẵn thụy hiệu cho các đời vua sau của triều Nguyễn. Nhà vua cho chạm nổi ở mặt trước mỗi đỉnh hai chữ đại tự, chữ trên là thụy hiệu của một vị vua nhà Nguyễn, chữ dưới là chữ “đỉnh”, lần lượt là Cao Đỉnh (Cao tượng trưng cho sự vĩ đại, lấy từ thụy hiệu của Vua Gia Long); Nhân Đỉnh (Nhân tượng trưng cho lòng tốt, sự đức độ, lấy từ thụy hiệu của Vua Minh Mạng); Chương Đỉnh (Chương tượng trưng cho sự gương mẫu, ánh sáng, lấy từ thụy hiệu Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, tương ứng với Vua Thiệu Trị); Anh Đỉnh (Anh tượng trưng cho sự anh minh, tài giỏi, lấy từ thụy hiệu Dực Tông Anh Hoàng Đế, tương ứng với Vua Tự Đức); Nghị Đỉnh (Nghị tượng trưng cho sự kiên cường, cương nghị, lấy từ thụy hiệu Giảng Tông Nghị Hoàng Đế, tương ứng với Vua Kiến Phúc); Thuần Đỉnh (Thuần tượng trưng cho sự hoàn thiện, phong phú, lấy từ thụy hiệu Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế, tương ứng với Vua Đồng Khánh); Tuyên Đỉnh (Tuyên tượng trưng cho sự hài hòa, tinh thông, lấy từ thụy hiệu Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế, tương ứng với Vua Khải Định). Riêng Dụ Đỉnh (Dụ tượng trưng cho nguồn gốc của sự thịnh vượng) và Huyền Đỉnh (Huyền tượng trưng cho sự sâu thẳm) thì không lấy từ thụy hiệu của vị vua nào mà chỉ tương ứng với Vua Hàm Nghi và Duy Tân.

Với tên gọi mang hàm ý lớn, vị trí đặt Cửu Đỉnh cũng phải trang trọng theo nguyên tắc Cao Đỉnh ở chính giữa rồi các đỉnh được đặt lần lượt hai bên trái – phải. Với cách sắp xếp này, cả 9 đỉnh đều dàn hàng ngang, đứng song song với mặt tiền của Thế Miếu. Duy nhất có Cao Đỉnh được đặt hơi nhích về phía trước khoảng 3m so với các đỉnh còn lại nhằm biểu thị hàm ý tôn vinh công lao to lớn của Vua Gia Long (1802 - 1819) - vị vua đầu tiên khai sáng ra triều Nguyễn. Mỗi đỉnh đều được đặt trên một phiến đá và đứng đối diện với một gian thờ tương ứng trong Thế Miếu.

Giá trị của Cửu Đỉnh còn được thể hiện qua trình độ đúc đồng điêu luyện và tinh xảo của các nghệ nhân phường đúc đồng Huế. Cửu Đỉnh có vóc dáng giống nhau, cùng là thân bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, có hai quai trên miệng và ba chân. Tuy nhiên, mỗi đỉnh cũng có những nét khác biệt về kích thước, khối lượng, kiểu đúc hai quai trên miệng (cặp vuông, cặp tròn, cặp theo kiểu dây thừng) và kiểu đúc ba chân (bộ uốn theo kiểu chân quỳ, bộ thẳng đứng)… nhằm ngụ ý đất nước Việt Nam có nhiều dân tộc sinh sống. Đỉnh thấp nhất là 2,25m, cao nhất 2,5m; trọng lượng nhẹ nhất là 3.201 cân ta (1.935kg), nặng nhất 4.307 cân ta (2.601,4kg).


Các họa tiết trên Cửu Đỉnh đều toát lên một thông điệp có tính thống nhất, vững bền, thịnh vượng và giàu tính nhân văn. Mỗi đỉnh có 18 bức họa tiết phân bố thành 3 tầng, mỗi tầng có sáu bức nằm xen kẽ với 6 mảng trống. Tầng trên và tầng dưới được bố trí lệch đi một khoảng so với tầng giữa. Ở bất cứ tầng nào, các họa tiết đều được sắp xếp logic, sinh động, đăng đối nhau khiến cho người xem khi nhìn vào sẽ thấy Cửu Đỉnh giống như bộ “Dư địa chí”, bộ bách khoa thư về nước Việt Nam đầu thế kỷ 19.

Tầng giữa khắc các các biểu tượng thiên nhiên trong vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, mây, mưa…); các ngọn núi cao hùng vĩ (núi Thiên Tôn, Ngự Bình, Hồng Lĩnh…); các cửa biển (cửa biển Cần Giờ, Thuận An, Đà Nẵng); biển cả mênh mông (Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải); những con sông lớn (sông Hương, Hồng, Lam, Mã…).

Tầng trên cùng khắc những cây quý (tùng, mai…, riêng ở Cao Đỉnh thay bằng hình rồng, ở Anh Đỉnh là ve sầu và ở Tuyên Đỉnh là tổ yến); những cây ăn quả lâu năm (mít, xoài, nhãn, vải…); cây lương thực, cây thân gỗ nhỏ, cây bụi, cây gia vị (lúa, trầu, cau, tỏi, hương nhu…, riêng ở Tuyên Đỉnh là cây Bách) và một số loài hoa (hoa sen, hải đường, hồng…), cây ngũ cốc (đậu tương, lạc…).

Ở tầng dưới là nhóm cây gỗ lớn (lim, sao); cây gia vị (gừng, tía tô…); cây gỗ quý, động vật thủy sinh, trên cạn (trầm hương, cá voi, mãng xà…, riêng ở Nghị Đỉnh thay bằng cặp chim uyên ương); thuyền bè, xe cộ, các loại vũ khí (riêng ở Anh Đỉnh thay bằng lá cờ).

Dù đã trải qua gần 2 thế kỷ, nhưng Cửu Đỉnh vẫn được coi là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng, di sản văn hóa lịch sử đặc sắc có một không hai của Việt Nam. Cửu Đỉnh cung cấp nhiều thông tin, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Hiện Cửu Đỉnh đang được Nhà nước xét duyệt để công nhận là bảo vật quốc gia.



                                              Thanh Hải - Thúy Hằng (TTTTDL) biên tập