Sóc Trăng là một trong những tỉnh Nam bộ có đồng bào Khmer tập trung đông nhất. Trong sinh hoạt hàng ngày, người Khmer đặc biệt xem trọng các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Vì vậy, khi đến với Sóc Trăng, du khách sẽ thấy sự hiện diện của rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ. Chùa ở Sóc Trăng không chỉ là nơi để các nhà sư tu hành, thờ Phật, sinh hoạt văn hóa truyền thống, mà còn là những công trình kiến trúc đặc trưng của người Khmer Nam bộ, tiêu biểu là: chùa Kh’leang, chùa Mahatúp (chùa Dơi), chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), chùa Sàlôn (chùa Chén Kiểu).
|
Chùa Kh'leang |
Toạ lạc tại số 71 đường Mậu Thân, thành phố Sóc Trăng,
chùa Kh'leang là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng. Chùa được xây trên nền đất cao, xung quanh có nhiều cây xanh, đặc biệt là cây thốt nốt, loại cây đặc trưng của người Khmer. Ở phía trước chùa có hai tháp để hài cốt các vị sư trụ trì. Cổng chùa được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hoá Khmer. Mái chùa xây theo kiểu tam cấp, mỗi cấp được chia thành 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ hai bên. Mái chùa được trang trí bằng các phù điêu hình chim thú thể hiện quan niệm, triết lý của người Khmer về mối giao hoà giữa Phật - Con người - Trời.
Trong chính điện chùa có 16 cột gỗ thiếp vàng khắc các hình ảnh mô tả cuộc đời đức Phật và các sinh hoạt Phật pháp. Giữa chính điện là tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 6,8m được đúc vào năm 1916. Chung quanh tượng Phật trưng bày nhiều hiện vật của cộng đồng người Khmer như là một cách bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa.
Ngày 27/4/1990, chùa Kh’leang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
|
Chùa Mahatúp |
Là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng,
chùa Mahatúp tọa lạc tại số 73B, đường Lê Hồng Phong, TP. Sóc Trăng. Trong khuôn viên chùa có hàng vạn con dơi sinh sống, vì thế chùa còn có tên là chùa Dơi.
Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 theo kiến trúc Khmer và đã được trùng tu nhiều lần. Ban đầu, chính điện của chùa dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Bao quanh chính điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực. Trong chính điện có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Khắp trên các bức tường của chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Ngoài chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài các sư trụ trì chùa và nhà hội Sa La với kiến trúc kiểu nhà rông, là nơi nghỉ ngơi, tu học của các sư sãi... Chùa Dơi còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt, những hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ.
Năm 1999, chùa Dơi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
|
Chùa Đất Sét |
Chùa Đất Sét tọa lạc tại số 163A, đường Lương Đình Của, thành phố Sóc Trăng, là ngôi chùa duy nhất tại Sóc Trăng được thiết kế theo kiến trúc của người Việt.
Chùa do ông Ngô Kim Tây xây dựng vào năm 1906. Mái chùa được chống đỡ bởi 24 cây cột, mỗi cây cột đều được trang trí hình rồng uốn lượn bằng đất sét từ nền điện lên đến mái vòm. Qua cổng chùa là đến chánh điện có mặt chính quay về hướng đông. Bên trong chánh điện có nhà tam giáo cộng đồng, một công trình kiến trúc độc đáo được xây đắp năm 1942. Sau chánh điện là các gian thờ Phật mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng thượng đế... Trong khuôn viên chùa có các miếu nhỏ thờ ông hổ và ông tà, bàn thờ thiên phụ, địa mẫu...
Hiện nay, chùa còn lưu giữ 1.991 tượng đất sét lớn, nhỏ và nhiều công trình đặc sắc như: 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ, toà sen 1000 cánh, 2 ngôi bảo tháp... Ngoài ra, trong chùa còn có 3 cây nhang lớn, mỗi cây cao 1,5m, nặng khoảng 50kg; một chùm đèn Lục Long Đăng có 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong; 8 cây nến lớn, trong đó 6 cây nến còn nguyên vẹn, mỗi cây nặng khoảng 200kg, cao 2,6m, ước tính có thể cháy liên tục trong vòng 70 năm. Hai cây nến còn lại, mỗi cây nặng khoảng 100kg, được thắp sáng từ năm 1970.
Tháng 3/2011, chùa Đất Sét đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa (thuộc lĩnh vực kiến trúc – nghệ thuật) cấp tỉnh.
|
Chùa Chén Kiểu |
Từ TP. Sóc Trăng, rẽ phải theo Quốc lộ 1 khoảng 12km, du khách sẽ đến
chùa Chén Kiểu thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Chùa được xây dựng vào năm 1815. Nét độc đáo của ngôi chùa là tường được ốp những mảnh bát (chén), đĩa sứ để trang trí tạo nên màu sắc sặc sỡ, sinh động.
Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu có 3 mái. Ở gờ mỗi lớp mái được trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt, thể hiện ước vọng an lành và siêu thoát. Hai đầu đao ở hai bên mái cong vút. Chính điện chùa có 16 hàng cột to. Hai bên tường chùa có nhiều tranh vẽ mô tả cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi nhập Niết Bàn. Gian thờ trong chính điện gồm 20 tượng Phật lớn, nhỏ được bố trí hài hòa, hợp lý.
Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ bộ Trường kỷ và hai chiếc giường bằng gỗ quý hiếm đã từng là tài sản của Công tử Bạc Liêu.
Đến Sóc Trăng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi chùa Khmer, du khách còn có dịp tham gia lễ hội Ooc-Om-Bok diễn ra vào tối 14 và ngày 15/10 (âm lịch) tại các sân chùa Khmer trong tỉnh. Đây là lễ hội tạ ơn Thần Mặt Trăng và cầu mong điều lành, may mắn; cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Vào đêm 14/10, tại các ngôi chùa Khmer còn có tục thả đèn nước trên sông và thả đèn gió lên trời. Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại bình yên cho cuộc sống.
Nếu có dịp đến Sóc Trăng, du khách đừng quên ghé thăm những ngôi chùa Khmer cổ kính để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam bộ. Với tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc và đa dạng, hàng năm, Sóc Trăng thu hút rất nhiều du khách thập phương đến hành hương, khám phá.
Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp