Đến Lâm Đồng tham gia tour du lịch độc đáo
Cập nhật: 22/11/2011
Bên tỉnh lộ 725, thuộc địa phận huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), có 3 điểm du lịch khá độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, đó là: trại nuôi dế Thiện An (xã Mê Linh), cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường (xã Mê Linh) và cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban).

Từ TP. Đà Lạt, đi theo tỉnh lộ 725 về phía tây nam khoảng 26km, du khách sẽ tới trại nuôi dế Thiện An. Anh Nguyễn Quang Huy, chủ trại dế Thiện An cho biết: Trại có diện tích hơn 100m² với gần 400 chậu dế. Mỗi năm, trại dế cho thu hoạch hàng trăm cân dế thịt và dế giống. Dế thịt ngoài việc cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, còn được chế biến thành món dế chiên giòn phục vụ du khách đến thăm trại.

Mỗi dịp cuối tuần, khách du lịch đến thăm trại dế Thiện An khá đông, trung bình mỗi ngày có trên 10 đoàn khách. Khách quốc tế, hầu hết đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, đều tỏ ra thích thú khi được tận mắt nhìn thấy những con dế, xem dế ăn và nghe tiếng kêu râm ran của chúng. Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy từ những con dế nhỏ bé mà người dân nơi đây lại có thể chế biến thành một món ăn hấp dẫn.

  Du khách tham quan cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường

Cách trại dế Thiện An khoảng 3km là cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường - một điểm tham quan cũng thu hút khá nhiều du khách. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, chủ cơ sở nấu rượu Kiết Tường, trung bình mỗi ngày có khoảng một trăm khách du lịch đến thăm cơ sở của ông; ngày cao điểm lên tới 200 khách.

Đến với cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường, ngoài việc tham quan hệ thống nấu rượu; tìm hiểu quy trình nấu rượu, bắt đầu từ công đoạn vo gạo, nấu cơm, ủ men đến chiết rượu thành phẩm; thưởng thức cơm rượu; uống rượu miễn phí, du khách còn có dịp tìm hiểu về các sản phẩm du lịch khác của gia đình ông Lộc, đó là trại trồng nấm và cà phê chồn. Cà phê chồn có hương vị rất đặc biệt bởi nó được lên men bởi enzyme tiết ra từ dạ dày con chồn. Hiện gia đình ông Lộc có một chuồng nuôi chồn với số lượng mười con. Chuồng nuôi được thiết kế gần gũi với thiên nhiên để chồn phát triển tự nhiên và ăn hạt cà phê để cho ra sản phẩm cà phê chồn.

Khách tham quan cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn

Nằm bên cung đường 725 còn có một điểm tham quan cũng rất nổi tiếng, đó là cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn. Theo anh Phan Văn Cường - chủ cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn, cơ sở của anh là nơi duy nhất làm nghề ươm tơ, dệt lụa ở Lâm Đồng nên luôn thu hút đông du khách, chủ yếu là khách quốc tế. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 100 khách quốc tế đến tham quan xưởng, tìm hiểu công đoạn sản xuất lụa tơ tằm, từ khâu lấy kén, kéo sợi, sấy khô sợi tơ đến dệt thành vải, nhuộm màu… rồi mua sản phẩm làm quà.

Anh Choong Sang Yoon, du khách Hàn Quốc cho biết: sản phẩm tơ lụa của Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới nhưng giờ anh mới được nhìn tận mắt, quả thật rất đẹp và ấn tượng. Nhân dịp này anh muốn mua một ít lụa về làm quà cho người thân. Còn theo cảm nhận của du khách người Đức Philipp Drechsel, lụa ở đây rất mịn và thật màu, khác hẳn với lụa của nhiều nước trên thế giới. Công đoạn sản xuất lụa cũng rất thú vị.

Với cách làm du lịch độc đáo và thái độ phục vụ hiền hòa, mến khách, những người nông dân Lâm Hà đã góp phần hình thành nên 3 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua trong hành trình đi từ Đà Lạt tới rừng nguyên sinh Tà Nung, thác Voi. Điều này không chỉ tạo những nét mới cho du lịch Lâm Đồng mà còn quảng bá hình ảnh điểm đến, nghề và sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.



                                                                                    Thanh Hải (TTTTDL) biên tập