Ngắm những dòng thác xinh đẹp của Lâm Đồng
Cập nhật: 08/12/2011
Là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Đà Lạt (Lâm Đồng) được ví như một Tiểu Paris với khí hậu trong lành, mát mẻ cùng những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Đến Đà Lạt, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của các loài hoa, dâu tây, atiso hay hương vị tuyệt vời của vang đỏ Đà Lạt mà còn bị hấp dẫn trước vẻ hùng vĩ của những dòng thác xinh đẹp nằm bao quanh thành phố. Dọc theo quốc lộ 20 từ Đà Lạt xuống Thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú được tạo nên bởi rất nhiều dòng thác mang đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên.

Nằm khoảng giữa đèo Prenn, thác Đatanla cách thành phố Đà Lạt 5km. Không ồn ào, thác Đatanla có sức hút đặc biệt đối với những ai thích phiêu lưu, mạo hiểm.  

Theo truyền thuyết, do thác có vực sâu, nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi nên đã từng là nơi lánh nạn của một cánh quân người bản địa (người Lạt) trong các cuộc chiến tranh với người Chăm từ cách đây hàng trăm năm về trước. Nhờ có ngọn thác này nên một cánh quân đã trụ lại và bảo toàn được lực lượng. Do đó, người ta mới đặt tên thác là Dantala có nghĩa là “nước dưới đá” hay “nước dưới lá”.    

Thác Đatanla đổ xuống từ ghềnh cao 20m, len lỏi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi lẫn khuất đâu đó trong rừng sâu tạo thành một dòng suối, lúc ẩn lúc hiện như mời gọi, thách thức bước chân khách lãng du. Nơi đây có những tảng đá nhẵn bóng rất đẹp, tương truyền xưa kia các tiên nữ trên thượng giới thường ghé lại nô đùa tắm suối nên khu vực này còn được gọi là Suối Tiên. Đi xa xuống phía dưới, du khách sẽ gặp một hẻm vực sâu hun hút được gọi là vực Tử Thần. Đây là nơi để du khách trải nghiệm cảm giác mạo hiểm qua hành trình chinh phục vách đá. Phía trên thác là những cánh rừng thông đặc chủng xanh tốt có tuổi đời hàng trăm năm, rất thích hợp cho các chuyến du lịch dã ngoại.  

Từ thác Đatanla đi thêm khoảng 5km, ngay dưới chân đèo Prenn, du khách sẽ nhìn thấy thác Prenn, là một trong những ngọn thác còn giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng sự êm dịu và duyên dáng của một bức màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10m xuống một thung lũng nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và đồi thông. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý.  

Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Đặc biệt, với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, lơ lửng. Không những thế, đến thác Prenn du khách còn được tham gia những trò chơi độc đáo của người dân bản xứ như: bắn nỏ, bắn tên, uống rượu cần…    

Thuộc địa phận thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, thác Liêng Rơwoa hay còn gọi là thác Voi cách thành phố Đà Lạt 25km, là một trong những thác nước đẹp của Tây Nguyên với chiều cao hơn 30m, rộng khoảng 15m.  

Muốn xuống chân thác, du khách phải chinh phục 145 bậc tam cấp là những bậc đá thiên tạo "ăn" vào vách núi cheo leo. Ngút tầm mắt là rừng đại ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân và cành chằng chịt dây leo. Dưới chân thác và trong cánh rừng già xuất hiện một số tảng đá lớn có hình thù giống như những con voi. Phía sau dòng thác trắng xóa là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn, đặc biệt là hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, màu sắc rất lạ mắt.  

Được mệnh danh là “Nam Phương đệ nhất hùng thác”, thác Pongour là một trong ba thác nước đẹp trên dòng sông Đa Nhim, thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, cách thành phố Đà Lạt 45km.  

Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì thác gắn liền với câu chuyện về nàng Ka Nai - một Tù trưởng xinh đẹp đã có công xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng của đồng bào K’ho. Tương truyền Ka Nai có 4 con tê giác và Pongour là dấu vết các con tê giác cắm sừng xuống đất.  

Thác đổ xuống từ độ cao gần 40m, trải rộng hơn 100m, qua hệ thống đá bậc thang 7 tầng được thiên nhiên sắp đặt hài hoà. Nhìn từ xa, dòng thác tựa như dải lụa trắng ngần giắt ngang vách núi. Đến khu du lịch sinh thái thác Pongour, du khách có thể đứng ngắm toàn cảnh con thác từ ngôi nhà bát giác xinh xắn; có thể ăn uống, nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn chênh vênh trên bờ sông; hay đi tìm mua những đồ lưu niệm của người dân tộc bản địa.  

Từ nhiều năm nay, Pongour còn có ngày hội thác vào Rằm tháng Giêng hàng năm và ngày nay đã trở thành một ngày hội xuân của đồng bào dân tộc bản địa với nhiều trò chơi dân gian và các nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc.    

Từ Đà Lạt, theo quốc lộ 20 khoảng 37km rồi rẽ trái theo một con đường mòn quanh co, xinh xắn dài khoảng 500m đến địa phận xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, du khách sẽ tới thác Gougah hay còn gọi là thác Gù Gà.  

Với chiều cao 17m, nhìn từ xa, dòng thác được phân đôi thành hai nhánh theo chiều dọc. Một bên dòng nước đỏ au, chảy im lìm, phẳng lặng; một bên nước đổ ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Đứng ở đây, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cảnh núi rừng Tây Nguyên tuyệt đẹp và sống lại thời xa xưa nhiều huyền thoại. Xa xa, ngọn núi Chai yên lặng, cô đơn giữa cánh đồng xóm Chung, Phú Hội. Rải rác đây đó là vài bon, plei (đơn vị cư trú) của người K'ho, Churu.    

Cách thành phố Đà Lạt hơn 90km, thác Bobla thuộc địa phận xã Liên Đầm, huyện Di Linh. Thác còn có tên gọi khác là thác Ngà Voi. Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ thì vào thời xa xưa, khi người Chăm cai trị Di Linh ngày nay, họ bắt người dân phải đóng thuế bằng những sản vật của núi rừng như: da thú, sừng tê giác, hươu nai… và đặc biệt là ngà voi. Người dân đã tìm thấy tại nơi con thác này một cặp ngà voi cao quá đầu người, ngựa phi qua cũng không được. Từ đó, vua Chăm đặt tên cho thác là Bobla tức Ngà Voi.  

Thác Bobla nằm lọt thỏm giữa hai ngọn đồi có hình voi phục, giống như một cái hang động. Chung quanh là nhà cửa và những trang trại cà phê xanh bát ngát. Dưới chân thác là một hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành. Cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như những bàn đá và những cây cổ thụ cao to che mát cả một khoảng trời.  

Nằm ở độ cao 60m, thác Đambri cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 18km và cách thành phố Đà Lạt hơn 100km. Đường vào trung tâm khu du lịch có một cầu ximăng dài hơn 20m bắc ngang suối, gần đỉnh thác. Đứng trên cầu, du khách có thể thưởng thức cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ  xuống rất đẹp. Xung quanh thác là một khu rừng nguyên sinh có diện tích gần 300ha với nhiều loài chim và cây cổ  thụ quý hiếm như: sao, kền kền, dổi... Đi một vòng quanh khu du lịch rộng lớn, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước Đambri rộng hàng nghìn mét vuông để hưởng thú câu cá trên hồ.  

Đến đây, du khách còn có thể tham quan buôn của người dân tộc Châu Mạ - một trong những làng văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên để thưởng thức lễ hội cồng chiêng, khám phá tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và tổ chức sinh hoạt dã ngoại.    

Nếu có dịp đến Lâm Đồng, du khách đừng quên ghé thăm những dòng thác xinh đẹp tại vùng đất cao nguyên này. Đó chính là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp rất riêng, vừa thơ mộng, hữu tình, vừa hoang sơ, kỳ vĩ của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, có sức hút mãnh liệt đối với du khách.

Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp