Đón Tết cùng đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc
Cập nhật: 13/01/2012
Khi xuân bắt đầu về trên khắp bản làng, hoa đào, hoa mận nở khắp rừng cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc rộn ràng đón Tết. Mỗi dân tộc ở đây có một phong tục đón Tết riêng, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng, hòa cùng vào dòng chảy văn hóa đa dạng của các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước.

Tết của dân tộc Mông – Hòa Bình  

Dân tộc Mông sinh sống tập trung ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Người Mông đón Tết trước Tết Nguyên đán của người Kinh 1 tháng (tức 1/12 âm lịch) và kéo dài trong nhiều ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng đặc sắc.  

Để chuẩn bị cho một năm mới ấm no, sung túc, thay vì làm bánh chưng như người Kinh, người Mông thường làm bánh dầy chay với quan niệm: chiếc bánh dầy tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, 2 bản người Mông ở Hang Kia và Pà Cò luôn có những “mẹt bánh dầy” để ăn Tết và tiếp khách.  

Người Mông không đón Giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên vào sáng sớm mùng Một Tết mới là mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Đêm 30, người Mông cúng tổ tiên một con lợn sống, một con gà trống sống rồi mang lợn và gà giết thịt để cúng một mâm thịt chín. Sau đó, họ ăn cơm, uống rượu cho đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.  

Trong dịp Tết, bên cạnh các nghi lễ tín ngưỡng còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn, chọi chim...  

Tết của dân tộc Mường - Sơn La  

Đối với người Mường ở Sơn La, Tết Nguyên Đán là cái Tết quan trọng nhất, lớn nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên và thần thánh. Trong một mâm thờ thường có các lễ vật như: bánh chưng và mật, rượu, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, quếch, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Thông thường, bàn thờ tổ tiên được đặt 3 mâm: mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm ở giữa thờ ông bà, mâm trong cùng thờ cụ kỵ. Khi các mâm lễ được đặt vào đúng vị trí, thầy cúng bắt đầu thực hiện khấn lễ.  

Trong bữa cơm ngày Tết, ngoài các món có trong mâm thờ còn có thêm món ớt, nộm thịt thủ lợn, các loại rau đắng đồ, măng đắng đồ. Trước khi ăn, con cháu xếp hàng lạy kính cha mẹ, ông bà. Người già nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, mọi người mời nhau uống rượu, mời ăn lần lượt các món. Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt bữa cỗ, kèm theo những câu hát bọ mẹng, hát ví, mo, kể chuyện tình... làm cho không khí bữa ăn thêm vui vẻ và ấm cúng.      

Tết của dân tộc Hà Nhì - Điện Biên  

Dân tộc Hà Nhì ở Điện Biên thường tổ chức đón Tết trước Tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng 2 tháng và kéo dài khoảng 1 tuần.  

Việc đón Tết vào ngày nào không được ấn định thành truyền thống như Tết của người Kinh mà do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên các yếu tố: thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung của mỗi gia đình... Sau khi thời điểm đã được xác định, theo phong tục, buổi chiều tất niên, mỗi gia đình cúng một con gà để tiễn biệt năm cũ. Người Hà Nhì không gói bánh chưng mà thay vào đó là bánh gù, loại bánh hình ống, dài hơn một gang tay; ngoài ra còn có bánh dầy, bánh trôi.  

Trong dịp Tết, những người cao tuổi lập thành từng nhóm để đi chúc Tết các gia đình trong nhóm và trong họ. Tại bữa tiệc khoản đãi, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng, một bên bày 6 chén rượu (4 chén để "rửa" chân tay, 1 chén "rửa" mặt, còn 1 chén để uống), một bên đặt 1 giỏ cơm (trong giỏ có 1 khoanh thịt mỡ đã luộc chín, ở giữa nhét mấy quả ớt đỏ). Người khách được quyền lựa chọn một trong hai bên rồi đặt lên mâm tiền mừng tuổi và hát một bài cám ơn, cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.  

Tết của dân tộc Thái – Lai Châu    

Theo phong tục của người Thái ở Lai Châu, từ ngày 25 tháng Chạp, mọi người đều tạm dừng các công việc để dọn dẹp nhà cửa và đi chợ sắm Tết. Trong phiên chợ, người Thái sẽ tìm mua những cây mía về buộc ở hai bên bàn thờ. Mía tượng trưng cho cây gậy để tiễn đưa ông bà, tổ tiên trong nhà lên trời ăn Tết.  

Vào sáng 30 Tết, khi tiếng gà mới chỉ gáy canh 2, canh 3 thì các gian bếp của người Thái đã bập bùng ánh lửa. Con gái đồ xôi còn con trai mổ lợn để chuẩn bị đón Tết. Đến đêm, người lớn ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cúng để đón Giao thừa, còn các chàng trai, cô gái thì ca hát trong tiếng trống chiêng rộn rã. Khi đồng hồ điểm 12h, họ đi lấy nước để cầu may. Tục lấy nước cầu may đã có từ lâu đời và được người Thái lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày nay. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước mà gà đã gáy thì sẽ không còn ý nghĩa.  

Tết của dân tộc Phù Lá - Lào Cai  

Người Phù Lá ở Lào Cai ăn Tết chính trong 3 ngày, từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Giêng, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài đến hết ngày 15, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất cho một mùa vụ mới.    

Để chuẩn bị đón Tết, từ tháng Chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, dự trữ rau, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng, bánh dầy, người Phù Lá còn có nhiều món ăn ngày Tết đa dạng và độc đáo.  

Vào ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn nhà và đặt lên bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Ngày mồng 1 Tết, tất cả mọi người đều diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà, người thân và hàng xóm. Trong tiếng khèn, điệu hát, lời ca rộn rã, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu trong khi thanh niên, trẻ nhỏ hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù…  

Tết của dân tộc Dao - Yên Bái  

Dân tộc Dao ở Yên Bái có một cách ăn Tết độc đáo, đó là Tết nhảy (hay còn gọi là Nhiang Chằm Đao) thường được bắt đầu từ khoảng mồng 10 tháng Chạp âm lịch đến trước Tết nguyên đán của người Kinh.    

Tết nhảy của người Dao là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản coi như Tết chung. Dòng họ nào muốn tổ chức Tết nhảy trước hết phải làm lễ cầu làng. Mọi người trong làng sẽ cùng góp tiền để làm lễ vật chung gồm có: gà, lợn, rượu, gạo và giấy bản; sau đó người đứng ra làm lễ cầu làng sẽ cầu cho dân làng có được sức khoẻ, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Lễ cầu làng phải được tổ chức trước Tết nhảy từ 6 đến 7 ngày.  

Ngày tổ chức Tết nhảy, ngay từ sáng sớm, các gia đình đã tổ chức giã bánh dầy; mổ lợn, gà; thanh niên chuẩn bị cờ làm bằng giấy bản và đẽo kiếm, dao, dìu bằng gỗ để múa. Trong Tết nhảy, có nhiều điệu múa được trình diễn khéo léo và tinh tế như: múa Lạp Lì Lò Sất Sảy, múa kiếm, múa dạo, múa nhảy rùa...    

Trong tiết trời se lạnh của ngày Tết, ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức những món ăn truyền thống và hòa mình vào các trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc mới cảm nhận được những nét đẹp văn hóa độc đáo trên mảnh đất vùng cao Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Phạm Phương (TTTTDL)