Bắc Ninh có rất nhiều cổ vật đặc sắc, trong đó có ba cổ vật vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là báu vật quốc gia, bao gồm: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành); tượng Phật Adiđà ở chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) và Cột đá ở chùa Dạm (xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh).
Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay là pho tượng gỗ phủ sơn, được tạc vào năm 1656. Đây là pho tượng hội tụ đầy đủ nhất thế giới quan, nhân sinh quan của Phật giáo truyền thống và mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao.
Toàn bộ bức tượng cao 3,7m; vầng hào quang rộng 2,1m; bao gồm 2 phần chính: tượng ngự trên toà sen (cao 2,35m) và bệ tượng (cao 1,35m).
Tượng được tạc trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân trên tòa sen với 9 đầu, 42 cánh tay lớn, 952 cánh tay nhỏ, trong lòng mỗi bàn tay nhỏ đều khắc một con mắt. Đầu chính có 3 khuôn mặt, một mặt hướng ra phía trước, hai mặt còn lại hướng ra hai bên. Trên đầu chính có thiên quan, phía trên thiên quan là các đầu nhỏ hơn được xếp chồng thành ba lớp (2 lớp dưới mỗi lớp có 3 đầu, lớp tiếp theo có 2 đầu) và trên cùng là một bức tượng nhỏ Phật Adiđà tượng trưng cho cõi Niết Bàn. Tất cả các khuôn mặt tượng đều mang vẻ hiền từ, nhân đức với hai mắt hơi nhìn xuống và miệng mỉm cười.
Trong số 42 cánh tay lớn, có một đôi cánh tay để trước ngực với hai bàn tay chắp vào nhau giống hình búp sen thể hiện tư thế từ bi hướng Phật, một đôi cánh tay khác vòng trước bụng với các ngón tay đan chéo vào nhau thể hiện tư thế thiền định và 38 cánh tay còn lại tỏa ra từ hai bên thân tượng (tính từ vai xuống đến thắt lưng) theo các hướng khác nhau thể hiện tư thế ban phép. Phía sau lưng tượng, 952 cánh tay nhỏ hơn được xếp thành một vòng tròn đồng tâm giống như một vầng hào quang tỏa sáng. Trên đỉnh vòng tròn có hình con chim Thiên Đường hai đầu.
Toàn bộ bức tượng được đặt trên bệ tượng gồm 5 tầng, trong đó tầng trên cùng thể hiện hình ảnh biển cả mênh mông với con quỷ Ô Ba Long Vương, một loại rồng đen sống ở biển Đông, đang nhô đầu và đưa hai cánh tay lên khỏi mặt nước đỡ lấy tòa sen. Hình tượng Phật bà Quan âm ngồi trên tòa sen, cả tòa sen lại đặt trên đầu rồng tượng trưng cho cái thiện bao giờ cũng ngự trị cái ác. Xung quanh bệ tượng chạm trổ hoa văn tinh xảo như: hoa sen tám cánh, rồng, phượng, sư tử, cuốn thư, võ sĩ, đại dương bao la với những loài thủy tộc như tôm, cá, ngạc ngư, ốc, rùa...
Tuy chưa đủ 1.000 con mắt, 1.000 cánh tay nhưng vẫn có thể coi bức tượng có số lượng con mắt và cánh tay đúng như vậy bởi người ta quan niệm rằng số 1.000 là số chẵn, thể hiện thế tĩnh, không phát triển, còn số lẻ xấp xỉ 1.000 thể hiện thế động, sẽ phát triển không ngừng.
Pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay đã giành giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.
Tượng Phật Adiđà được tạc vào thế kỷ 11, bằng đá xanh nguyên khối, cao 2,77m (kể cả bệ). Tượng miêu tả Phật Adiđà trong tư thế ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối Kiết Già toàn phần (dáng ngồi thanh thản, tự tại) với hai chân xếp bằng, hai bàn tay lật ngửa đặt chồng lên nhau để trước bụng. Khuôn mặt tượng dịu hiền, thanh tú với sắc mặt vừa mang vẻ trầm tư lại vừa rạng rỡ, đôi mắt hơi nhìn xuống, sống mũi cao, miệng mỉm cười. Tóc tượng được vấn nếp theo hình xoắn ốc với nhục kháo nổi cao. Trên mình tượng khoác áo pháp y hai lớp, phủ từ vai đến chân. Đặc biệt, lớp áo ngoài phủ hình lá sen bên vai trái với các nếp áo được chạm trổ rõ nét, thể hiện sự mềm mại của áo.
Phật Adiđà ngồi trên tòa sen 3 tầng, phía dưới là bệ đá được thiết kế theo hình kim tự tháp, gồm 5 tầng, 8 mặt. Các mặt đều được chạm nổi hình rồng và mây lửa.
Tượng Phật Adiđà là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, đại diện cho nền văn hóa Phật giáo thời Lý.
Cột đá ở chùa Dạm có tên chữ Lãm Sơn Tự, là một kiệt tác được tạc từ đá và cát vào năm Quảng Hữu thứ 2 (1086).
Cột đá nằm phía ngoài khuôn viên chùa, tựa lưng vào núi Đại Lãm, mặt hướng về phía đông, bao gồm 2 phần: phần cột (cao 4,25m) và phần đế hình tròn lát đá xung quanh (cao 0,8m). Phần cột có hai phần: phần dưới hình chữ nhật được đẽo tròn 4 góc với chiều cao 2m, cạnh dài 1,35m và 1,6m; phần phía trên hình tròn với chiều cao là 2,25m, đường kính 1,35m. Điểm đặc sắc của cột đá là ở phần hình tròn có chạm nổi nhiều hoa văn tinh tế, sinh động, mang đậm văn hóa thời Lý, trong đó nổi bật là đôi rồng với đầu vươn cao hướng lên trời, mắt mở to, miệng ngậm viên ngọc đang tỏa sáng, mình uốn khúc quấn quanh cột đá, hai chân trước chụm vào nhau, hai chân sau đứng kiễng trên phần cột hình chữ nhật phía dưới khiến cho người xem có cảm giác như đôi rồng đang bay lên. Ngoài đôi rồng, các nghệ nhân thời Lý còn dùng những chi tiết hoa văn hình cúc dây để “trám” vào những chỗ trống, càng làm tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên, mềm mại cho các họa tiết.
Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay; tượng Phật Adiđà và Cột đá là ba cổ vật đặc sắc minh chứng Bắc Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến. Nếu trở thành bảo vật quốc gia, các cổ vật này sẽ trở thành điểm nhấn, thu hút ngày càng nhiều du khách về với Bắc Ninh trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, về nguồn.
Thanh Hải (TTTTDL) biên tập