Là mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, Hà Giang thu hút du khách
không chỉ bởi những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ hay những phiên chợ vùng cao đậm
đà bản sắc dân tộc mà còn bởi những điểm du lịch cộng đồng độc đáo, trong đó
đặc sắc nhất phải kể đến hồ Noong thuộc xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, cách trung
tâm thành phố Hà Giang khoảng 17km về phía bắc.
Hồ Noong được người dân địa phương gọi là “con mắt của rừng”
bởi vẻ đẹp hoang sơ và không khí trong lành mà hồ mang lại. Đến đây, du khách sẽ
thấy như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh đầy thi vị và đậm chất nhân văn.
|
Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển thuộc địa bàn bản
Noong 1, hồ Noong có diện tích 36ha và là nơi sinh sống của rất nhiều động,
thực vật phong phú, đa dạng. Vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10), tổng diện
tích mặt hồ có thể lên đến 60 - 80ha. Lúc này, hồ Noong trở nên đẹp và duyên
dáng hơn bởi những hàng cây mày ẳn bị nước dâng ngập giống như những hòn non bộ
giữa hồ. Loại cây này có thể cao tới 15m, to cỡ một người ôm, rễ cây chống xiên
xuống mặt nước, tạo thế đứng vững chắc, trông vừa cổ kính, vừa hoang dã. Đây
chính là một trong những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp cho hồ Noong. Mùa mưa cũng là
thời điểm thích hợp cho các hoạt động du lịch như: bơi thuyền, câu cá… Vào mùa
khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 20ha.
Thời điểm này, người dân địa phương tận dụng phần đất quanh hồ để trồng ngô,
lạc, đậu, các loại rau xanh, đặc biệt là những loại rau màu ngắn ngày.
Là một hồ trên núi nên xung quanh hồ Noong có nhiều dãy núi
đá vôi. Những khe nước ngầm trong hang đá từ những dãy núi này là nguồn cung
cấp nước cho hồ. Ngoài ra, còn có ba hang nước ngầm nối hồ với dòng sông Lô.
Chính vì vậy, mỗi khi nước dâng cao vào mùa mưa thường có những đàn cá từ sông
Lô theo dòng nước bơi về trú ngụ ở hồ Noong. Và cứ vào tháng 8 âm lịch, các bản
trong vùng lại tổ chức lễ hội bắt cá ở hồ Noong. Đây là lễ hội mang đậm nét văn
hóa truyền thống. Có truyền thuyết cho rằng trong hồ còn có con ếch thần ngự
trị từ lâu đời, nên người dân địa phương coi hồ Noong là nơi linh thiêng, tôn
nghiêm.
|
Đến hồ Noong, ngoài dịp tham quan, ngắm cảnh hồ, du khách
còn có cơ hội khám phá nét đẹp văn hoá của 6 dân tộc sinh sống nơi đây, bao gồm
Tày, Ngái, Mông, Giáy, Dao, Kinh, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày (chiếm 60%). Ẩn
hiện sau những rặng cây bên sườn núi là những ngôi nhà sàn của dân tộc Tày và
những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Chiều chiều, ngắm mây khói bảng lảng bên
những nếp nhà sàn, lắng nghe âm thanh tiếng mõ trâu văng vẳng nơi xa hay tiếng
lục lạc của đàn dê núi, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sự yên bình của vùng
quê xứ núi. Đến đây, du khách cũng sẽ dễ dàng thấy những cô gái Tày duyên dáng
trong trang phục màu chàm đen với nụ cười thẹn thùng, bẽn lẽn làm say lòng biết
bao chàng trai. Và tiếng sáo, tiếng hát của các chàng trai tha thiết trong đêm
trăng bên bờ hồ cũng khiến những cô gái quên cả lối về. Đồng bào dân tộc gọi đó
là thứ men say của núi rừng, được tiếp nối từ bao đời. Trong khung cảnh đó,
tiếng hát then, hát cọi, hát lượn... lại càng nồng nàn lôi cuốn, đem đến cho du
khách những trải nghiệm khó quên.
Với những tiềm năng phong phú, đặc sắc, hồ Noong có nhiều
điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, là điểm
đến lý tưởng cho những du khách muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ và đậm chất nhân
văn của núi rừng.
Bài: Phạm Phương (TTTTDL); Ảnh: dulichcongdong.com